Môi trường ô nhiễm, hóa chất nhuộm tóc và ánh nắng mặt trời khiến tóc hư tổn, dễ khô xơ, chẻ ngọn, tăng nguy cơ gãy rụng. Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ dinh dưỡng khoa học, đủ các dưỡng chất thiết yếu gồm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất hỗ trợ phục hồi tóc hư tổn, kích thích mọc tóc.
Protein có nhiều trong ức gà, thịt vịt, thịt bò nạc, sản phẩm từ sữa, chuối, đậu nành. Protein là thành phần hóa sừng (keratin) cấu thành nên sợi tóc, góp phần sản sinh collagen - loại protein dồi dào nhất trong cơ thể, chiếm khoảng 30% tổng lượng protein, giúp tóc bóng tự nhiên, chắc khỏe. Cơ thể thiếu hụt protein khiến tóc khô xơ, rối.
Canxi cần thiết cho sức khỏe hệ xương và thần kinh, nuôi dưỡng mái tóc khỏe, hạn chế gãy rụng. Tình trạng rụng tóc ở trẻ em, phụ nữ sau sinh thường xảy ra do thiếu canxi. Thực phẩm giàu canxi như lòng đỏ trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, hải sản có vỏ, rau muống, rau dền, đậu nành.
Sắt hỗ trợ sản sinh hồng cầu, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho các tế bào mầm tóc. Cơ thể thiếu sắt dễ dẫn đến thiếu máu, làm cho quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến tóc không đủ. Tình trạng kéo dài khiến tóc yếu, dễ gãy rụng, nguy cơ dẫn đến hói đầu. Thịt đỏ, nội tạng động vật, trứng, hải sản, rau lá xanh đậm cung cấp nhiều sắt.
Kẽm hỗ trợ tái tạo mô tóc hư tổn, củng cố nang tóc, giảm rụng. Kẽm còn kích thích các tuyến dầu xung quanh chân tóc hoạt động ổn định, hạn chế gàu. Cơ thể thiếu kẽm có thể tổng hợp không đủ protein, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, khiến tóc khô xơ. Thực phẩm có hàm lượng kẽm cao như hải sản, hàu và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, thịt đỏ, trứng, đậu và các loại hạt.
Vitamin A giúp chống oxy hóa, tăng hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào, hỗ trợ quá trình biệt hóa tế bào mầm tóc. Vitamin A còn hỗ trợ tuyến bã nhờn ở da đầu điều tiết dầu cân bằng và giữ ẩm cho tóc, thúc đẩy tóc sinh trưởng và phát triển nhanh. Thiếu hụt vitamin này dễ khiến tóc thiếu sức sống. Thực phẩm giàu vitamin A hoặc beta carotene (tiền chất vitamin A) như dầu cá, cà rốt, gan động vật, bông cải xanh, cải bó xôi, khoai lang.
Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, B12) có nhiều trong gan động vật, thịt đỏ, khoai lang, cà rốt, bí ngô, rau cải xoăn, sữa chua. Chúng hỗ trợ các phản ứng enzym, tổng hợp DNA, các chức năng của hệ thần kinh trung ương, giảm căng thẳng - một trong các tác nhân khiến tóc hư tổn, dễ gãy rụng. Vitamin nhóm B còn tham gia vào quá trình cấu tạo nang tóc, đảm bảo hoạt động trao đổi chất diễn ra liên tục để tóc chắc khỏe.
Vitamin C có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện hệ miễn dịch, giảm nhẹ tác hại của gốc tự do ảnh hưởng đến tế bào tóc. Vitamin C còn hoạt động như chất trung gian giúp tăng hấp thu sắt và nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen. Trái cây có múi, trái mọng, cà chua, ổi, táo, ớt chuông đỏ, rau diếp... giàu vitamin C.
Vitamin E hỗ trợ dưỡng ẩm tóc, bảo vệ nang tóc, nuôi dưỡng và phục hồi tóc hư tổn. Thực phẩm giàu vitamin E như hạt hướng dương, hạnh nhân, cải bó xôi, dầu thực vật, cá béo, bí đỏ, măng tây, bông cải xanh.
Bác sĩ Trà Phương cho biết các loại thực phẩm trên không thay thế cho thuốc chữa bệnh. Người bị tóc khô xơ, cháy nắng, dễ gãy hoặc rụng nhiều nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời. Mỗi người giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột, dầu mỡ, chất bảo quản và chất béo không lành mạnh. Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng quá mức. Giảm hoặc kiêng uống rượu bia, không hút thuốc lá và các chất kích thích.
Bổ sung tinh chất thiên nhiên như ginkgo biloba (bạch quả), saw palmetto (cây cọ lùn), hợp chất cynatine chứa keratin dạng peptide hỗ trợ tăng cường lưu thông máu nuôi dưỡng da đầu và sợi tóc chắc khỏe, cân bằng hormone trong cơ thể. Từ đó, chúng thúc đẩy quá trình tăng trưởng các tế bào mầm tóc, giảm rụng tóc.
Trường Giang