Theo Tiến sĩ Tricia L. Psota, giảng viên Trường Y tế Công cộng Milken - Đại học George Washington (Mỹ), cho biết, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng làm thay đổi chức năng, quá trình chuyển hóa của cơ thể. Các quá trình này bao gồm: cân bằng nước, tín hiệu thần kinh, tiêu hóa, trao đổi chất.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng dẫn đến nhiều bệnh tật. Ví dụ như: thiếu canxi, vitamin D gây ra chứng loãng xương, không đủ sắt có thể gây thiếu máu, làm tiêu hao năng lượng. Dưới đây là cách nhận biết tình trạng cơ thể thiếu chất dinh dưỡng.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
Theo WebMD, khi cơ thể xuất hiện tình trạng căng thẳng, ốm đau, không giải thích được nguyên nhân có thể bạn thiếu vitamin D. Cơ thể tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Một số cách cơ bản để tăng cường vitamin D như tắm nắng. Thời gian tắm nắng lý tưởng là trước 8 giờ sáng, khoảng 4-5 giờ chiều, mỗi lần tắm nắng kéo dài từ 15-20 phút. Mỗi người nên ăn hải sản, trong đó có cá mỡ như cá hồi, cá ngừ, tôm.
Khô miệng
Tình trạng này có thể làm cho nướu, môi, bên trong má, vòm miệng có cảm giác như bị bỏng. Miệng có thể bị khô hoặc tê. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là sự thiếu hụt các vitamin B, folate, thiamin và B6. Để tăng cường B6 trong chế độ ăn uống, mỗi người nên ăn nhiều chuối, đậu, rau chân vịt, ngũ cốc...
Rụng tóc
Việc rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu nhận thấy nhiều tóc rơi trên gối hoặc trong nhà tắm có thể bạn đang thiếu sắt. Đây là tình trạng thiếu hụt dưỡng chất thường gặp nhất. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu nhanh để kiểm tra sức khỏe, sau đó tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt hơn như: thịt bò nạc, gia cầm, rau chân vịt, đậu, hạt điều, đậu.
Da khô
Vitamin A cần thiết để bảo vệ giác mạc, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt... Khi cơ thể thiếu hụt vitamin A thì bề mặt da, môi sẽ trở nên khô ráp, bong tróc, đóng vảy. Để bổ sung vi chất này, bạn nên ăn: các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, rau củ màu cam như khoai lang, cà rốt, trái cây màu cam.
Móng tay thay đổi
Khi cơ thể thiếu sắt, móng tay có thể trở nên mềm, võng xuống, hình dạng giống như cái thìa. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh huyết sắc tố, một tình trạng khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt. Nếu xuất hiện tình trạng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để xét nghiệm máu tìm nguyên nhân.
Viêm lưỡi
Nếu bị thiếu B6, lưỡi có thể bị sưng, đau, viêm hoặc đỏ. Biểu hiện của viêm là bề mặt lưỡi bóng, mịn, xuất hiện những vết sưng. Tình trạng này gây khó khăn khi nhai, nuốt, nói chuyện. Đây cũng có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu thiếu sắt, axit folic, niacin, riboflavin và B12.
Thiếu năng lượng
Việc thiếu chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tinh thần, cơ thể. Folate giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, chất hóa học điều chỉnh mô hình giấc ngủ, tâm trạng. Khi cơ thể thiếu hụt chất này, bạn có thể hay quên, yếu ớt, thiếu năng lượng, nhiệt huyết. Bạn bổ sung folate từ ngũ cốc dinh dưỡng, đậu xanh, măng tây, rau chân vịt,...
Vết bầm
Cơ thể dễ bị bầm tím, vết thương lâu lành là dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin C. Đây là một chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thiếu hụt vitamin C có thể làm chậm tốc độ hình thành collagen, các mạch máu yếu. Người thiếu vitamin C dễ bị mệt mỏi, giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể.
Lê Nguyễn