Chất đạm (protein) cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển, giúp sửa chữa và tạo ra những tế bào mới. Người trưởng thành cần tối thiểu 0,8 g lượng đạm cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ một người nặng 68 kg cần ăn khoảng 55-68 g chất đạm mỗi ngày.
Thiếu đạm trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo.
Phù nề
Thiếu đạm kéo theo hàm lượng albumin thấp, gây mất cân bằng chất lỏng trong mạch máu. Cơ thể cố gắng giữ nhiều nước và natri hơn, dẫn đến sưng tấy, phù nề.
Còi cọc
Trẻ không có đủ chất dưỡng chất này thường chậm phát triển, thành tích học tập kém, nguy cơ mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng. Điều trị sớm tình trạng này ở giúp phòng chống còi cọi, giảm biến chứng như tàn tật.
Cảm thấy đói
Đạm cung cấp năng lượng, làm giảm hàm lượng hormone gây đói ghrelin, giúp cơ thể cảm thấy no. Nếu bạn đói thường xuyên và muốn ăn nhiều hơn có thể là dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng này.
Giảm khối lượng cơ, xương
Khi không đủ chất đạm để sửa chữa các mô và tạo ra enzym thiết yếu, cơ thể lấy từ cơ bắp để bù lại, dẫn đến mất cơ. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất này nhằm củng cố, xây dựng và duy trì khối lượng cơ xương.
Khối lượng xương hay mật độ khoáng xương (BMD) phần lớn do di truyền. Tuy nhiên, trẻ được ăn đầy đủ chất đạm có thể đạt được tiềm năng di truyền tối ưu về khối lượng xương.
Thay đổi da và tóc
Chất đạm là thành phần cấu tạo chính của da và tóc. Người thiếu hụt thường có làn da nhợt nhạt, khô và dễ bong tróc hơn. Tóc của họ cũng giòn, mỏng dễ gãy rụng hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu
Chất đạm hỗ trợ tạo kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và mắc bệnh. Sự thiếu hụt chất này dẫn đến ít kháng thể hơn, hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Thay đổi tâm trạng
Não sử dụng các chất dẫn truyền thần kinh để chuyển thông tin giữa các tế bào. Chế độ ăn uống ít đạm khiến cơ thể không thể tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh, làm thay đổi hoạt động của não. Ví dụ, người có hàm lượng dopamine, serotonin thấp (hormone tâm trạng) có thể cảm thấy chán nản hoặc quá hung hăng.
Vết thương chậm lành
Cơ thể cần chất đạm để tạo ra collagen, dưỡng chất giúp tái tạo các mô liên kết trên da, mau lành vết thương. Vết cắt và vết xước ở người thiếu hụt đạm mất nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Để cơ thể nhận nhiều dưỡng chất này hơn, nên tăng cường ăn các loại đậu và hạt, hải sản, trứng. Người lo ngại bản thân thiếu hụt nên đi khám dinh dưỡng.
Bảo Bảo (Theo Health, WebMD)
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh dinh dưỡng tại đây để được bác sĩ giải đáp.