"Giá trị của một số tiền là tương đối, mỗi hoàn cảnh sẽ nhìn nhận nó theo cách khác nhau. Ví dụ 100 nghìn đồng với nhiều người chỉ bằng một ly trà sữa và tôi sẵn sàng để 100 nghìn ấy bỏ ống tiết kiệm hay tích lũy mỗi ngày mà chẳng cảm thấy nhiều nhặn gì. Nhưng với một người nghèo, người đói, nó lại là một số tiền không hề nhỏ.
Trong mắt tôi, vài chục triệu hay vài trăm triệu rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần cũng không có nhiều ý nghĩa bằng tiền lương hưu. Thế nên, tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ sẽ rút BHXH một lần mà cứ thích làm lụng, tích lũy, đóng bảo hiểm qua năm tháng, rồi mai mốt đủ tuổi lấy lương hưu, túc tắc hàng tháng cũng được vài triệu. Lấy vài năm thôi cũng được, vì đó là niềm vui tuổi già.
Thực ra, phần đông những người rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ là vì không muốn đóng chứ không phải không muốn lãnh lương hưu. Đến lúc già yếu, sức lao động cạn, mắt mờ, lưng mỏi, ai mà chẳng muốn có lương hưu, cầm số tiền (dù nhỏ) hàng tháng, con số mà thời trẻ mình từng đánh giá thấp, lúc đó mới thấy nó có ý nghĩa lớn đến mức nào?
Và khi xung quanh những ông bạn bà bạn già như mình ai ai cũng có lương hưu, dù chỉ là đủ ăn uống hay mua tấm bánh, miếng quà cho cháu, lúc ấy mới thấm thía những sai lầm ngày xưa của mình khi ác cảm với BHXH".
>> Bài toán cho người 'chờ 17 năm để nhận lương hưu'
Đó là quan điểm của độc giả Applespring trước làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng cao thời gian qua. Rút BHXH một lần đang trở thành "thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước". Giai đoạn 2016-2020, cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng. Trung bình mỗi năm gần 750.000 người rời khỏi hệ thống an sinh, chọn BHXH một lần thay vì chờ hưu trí.
Cùng chung quan điểm về lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội đủ năm và chờ nhận lương hưu, bạn đọc Canh Nguyen nhấn mạnh: "Hãy hiểu đúng từ 'bảo hiểm'. Đây không phải kênh đầu tư sinh lãi nên đừng so sánh với việc gửi tiết kiệm. Giống như các bạn mua bảo hiểm nhân thọ cũng đừng mong sinh lời, hay mua bảo hiểm ý tế đừng thấy mình khoẻ mạnh không bao giờ đi viện mà kêu lỗ.
Nếu ai cũng tới 40-45 tuổi là đã nghĩ đến việc nghỉ hưu thì ai đi làm? Xin hãy hiểu rằng BHXH là dùng dòng tiền xoay vòng, lấy của người đang đi làm nuôi người nghỉ. Nếu tới 40 tuổi bạn đã rút BHXH một lần thì gánh nặng lại đè nên vai những người đang đi làm. Chính vì cuộc sống vô thường nên mới sinh ra bảo hiểm.
Bố mẹ tôi năm nay 50 tuổi, vẫn vừa làm ruộng, vừa làm công nhân và chưa có ý định nghỉ do em trai tôi vẫn đang tuổi đi học. Các bạn có thể ngừng đóng bảo hiểm hoặc tìm công việc khác đóng bảo hiểm phù hợp hơn chứ không thể đòi bảo hiểm 50 đã nghỉ hưu được.
Nếu tạm thời bạn mất việc, hãy rút bảo hiểm thất nghiệp. Và bạn có thể xin làm bảo vệ các công ty vẫn có đóng bảo hiểm, mà công việc lại nhẹ nhàng hơn, và cố thêm 10 năm nữa để hưởng lương hưu. Nếu có gì không may thì số tiền của bạn con cái của bạn cũng được nhận chứ không hề mất. Còn nếu bạn sống thọ thì cũng không trở thành gánh nặng của con cái, xã hội.
>> 'Lương hưu dăm đồng' - Trẻ coi thường, già xem trọng
Có rất nhiều công ty nhận người lớn tuổi mà vẫn có đóng BHXH. Tất nhiên sẽ không nhiều như người trẻ. Nhưng bạn vẫn phải đi làm đến 60 tuổi thậm chí lâu hơn nữa nếu như con cái vẫn chưa trưởng thành và bạn không có nguồn thu nhập thụ động hoặc lương hưu.
Tất nhiên, rút BHXH một lần hay không là quan điểm riêng của mỗi người. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng hãy có cách nhìn khách quan hơn về BHXH. BHXH sẽ giúp cho tương lai đất nước không còn cảnh các cụ già bán vé số, bán rau, hay ăn xin ngoài đường... Điều đó chỉ đến khi tất cả chúng ta đều tham gia BHXH đến cùng".
Thành Lê tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.