Suy thận cấp là hậu quả của tình trạng thận bị tổn thương nghiêm trọng và nhanh chóng. Các tình trạng gây suy thận cấp tính thường xảy ra đột ngột, gây tổn thương nghiêm trọng cho thận trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Bệnh có thể được chữa khỏi hoặc gây tổn hại vĩnh viễn, dẫn đến rối loạn chức năng thận kéo dài.
Nhiễm độc tố do thuốc
Một số loại thuốc để điều trị bệnh chứa thành phần hóa chất gây độc hại cho thận khiến cơ quan này bị tổn thương như: thuốc cản quang được sử dụng khi chụp MRI, thuốc kháng sinh, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế bơm proton nhằm giảm sản xuất dịch vị dạ dày... Bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra nguyên nhân gây suy thận cấp nếu biết những loại thuốc bạn đã sử dụng để trị bệnh.
Sốc
Sốc là một tình trạng đe dọa tính mạng gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng các chức năng của cơ thể và thường gây tổn thương đáng kể cho nhiều cơ quan. Các tình trạng như mất máu nhanh, mất nước nghiêm trọng, nhiễm trùng nặng hoặc suy cơ quan đều có thể dẫn đến sốc. Những tình trạng này làm huyết áp hoặc nguồn cung cấp máu giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết để chức năng thận hoạt động bền vững và gây hại thận đột ngột.
Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu đi và các loại virus, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc xâm nhập thông qua các vết thương bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể gây suy thận cấp do sốc và (hoặc) lây lan nhiễm trùng đến thận. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng huyết có thể nhanh chóng dẫn đến tổn thương mô, suy cơ quan và tử vong.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là tình trạng viêm thường xảy ra từ từ, gây tổn thương thận tiến triển. Tuy nhiên, bệnh có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng và tiến triển nhanh chóng tương tự như suy thận cấp. Nguyên nhân phổ biến của viêm cầu thận gồm: nhiễm trùng, bệnh tự miễn, viêm mạch máu. Đôi khi, nguyên nhân của viêm cầu thận không được xác định.
Bệnh tim mạch
Việc cung cấp máu cho thận có thể bị ảnh hưởng bởi các tình trạng liên quan đến tim hoặc mạch máu. Một cơn đau tim có thể gây ra sự sụt giảm nhanh chóng lượng máu cung cấp cho bất kỳ cơ quan nào của cơ thể, bao gồm cả thận. Thiếu cung cấp oxy và thiếu một lưu lượng máu trầm trọng có thể gây suy thận cấp.
Cục máu đông
Cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu của thận hoặc di chuyển từ nơi khác trong cơ thể đến thận. Do đó, nếu một khu vực đủ lớn của thận bị thiếu lưu lượng máu do tắc nghẽn bởi cục máu đông, tình trạng suy thận cấp sẽ xảy ra.
Sau phẫu thuật
Suy thận cấp có thể phát triển trong vài ngày đầu sau phẫu thuật do các yếu tố sau:
Tuổi tác: Người cao tuổi thường liên quan đến suy thận cấp sau phẫu thuật hơn so với người trẻ, đặc biệt là với những người đã mắc bệnh thận.
Suy giảm chức năng thận trước khi phẫu thuật: Một người đã suy giảm chức năng thận có nhiều khả năng bị suy thận cấp sau phẫu thuật hơn so với người không có vấn đề về thận.
Các tình trạng y tế khác: Người bị cao huyết áp, bệnh tim hoặc tiểu đường sẽ có nguy cơ cao bị suy thận cấp sau phẫu thuật.
Loại phẫu thuật: Phẫu thuật lớn trên tim hoặc mạch máu sẽ gây ra những thay đổi trong lưu lượng máu và có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp.
Biến chứng y tế: Chấn thương, mất máu đáng kể, huyết áp thấp, giảm nồng độ oxy hoặc sốc nhiễm trùng trước, trong hay sau phẫu thuật cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy thận cấp.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu nặng sau phẫu thuật dễ dẫn đến suy thận cấp, đặc biệt là nếu nhiễm trùng không được điều trị hoặc không cải thiện khi điều trị.
Suy thận cấp sau phẫu thuật có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu. Ví dụ: nếu một người có mức creatinine là 0,8 mg/dl trước khi phẫu thuật và mức creatinine là 1,6 mg/dl sau khi phẫu thuật, đây sẽ là dấu hiệu của bệnh suy thận cấp tính. Ngoài ra, lượng nước tiểu ít hơn 0,5 ml trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi giờ, kéo dài trong 6 giờ trở lên là dấu hiệu của suy thận cấp tính. Hầu hết những người bị suy thận cấp sau phẫu thuật sẽ cải thiện trong vòng vài tuần.
Như Ý (Theo Very Well Health)