Ung thư tuyến tiền liệt thường diễn tiến âm thầm, khó phát hiện cho đến khi di căn. Mặc dù không có cách chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối nhưng vẫn có thể làm chậm sự lây lan, giúp người bệnh sống lâu hơn và kiểm soát các triệu chứng.
Theo Tổ chức Chăm sóc tiệt niệu (Urology Care Foundation) của Mỹ, nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể gặp một số triệu chứng như rối loạn cương dương, đau xương, mệt mỏi, nhiễm trùng thường xuyên... Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến và cách kiểm soát chúng.
Đau
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), đau ở hông, lưng (cột sống), ngực (xương sườn) hoặc các khu vực khác thường gặp ở nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, nhất là khi ung thư đã di căn đến xương.
Có nhiều loại thuốc có sẵn để kiểm soát cơn đau. Một số được dùng bằng đường uống, miếng dán trên da, tiêm tĩnh mạch. Ngoài ra, còn có các liệu pháp góp phần giúp giảm đau chẳng hạn như châm cứu, thôi miên, xoa bóp. Phương pháp điều trị như xạ trị và phẫu thuật có thể được sử dụng nhằm giảm đau. Cơn đau nam giới gặp phải cũng có thể thay đổi trong suốt quá trình mắc bệnh. Do đó, nam giới nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp giảm đau phù hợp.
Mệt mỏi
Mệt mỏi liên quan đến ung thư không chỉ là buồn ngủ. Theo Hệ thống y tế UCLA Health (Mỹ), người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi ngủ. Việc thiếu năng lượng có thể khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động bình thường như khó khăn khi suy nghĩ, mất tập trung... Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị có thể gây ra mệt mỏi. Lo lắng, căng thẳng và thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc giấc ngủ góp phần làm bệnh trầm trọng hơn.
Một số cách để giảm mệt mỏi theo UCLA Health như nghỉ ngơi (nhưng không nhất thiết phải nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế quá lâu), cố gắng có thêm các hoạt động trong ngoài, tập thể dục nhẹ nhàng vì di chuyển nhiều hơn có thể mang lại cho bạn năng lượng tích cực, giảm mệt mỏi, ngủ ngon hơn. Ngủ đúng giờ, đủ giấc và không ngủ trưa dài, chỉ từ 40 phút trở xuống. Nhờ bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình giúp đỡ nếu cảm thấy mệt và lưu ý uống đủ nước.
Trong một số trường hợp, mệt mỏi của người bệnh có thể là kết quả của bệnh thiếu máu, xảy ra như tác dụng phụ của hóa trị liệu. Ngoài mệt mỏi, các triệu chứng của thiếu máu có thể gồm chóng mặt, xanh xao, nhức đầu, khó thở, huyết áp thấp và nhịp tim cao.
Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương
Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Mỹ), các hormone thường được sử dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể làm giảm ham muốn tình dục và gây rối loạn cương dương. Tùy thuộc vào loại điều trị gây ra rối loạn cương dương, khả năng cương cứng có thể cải thiện theo thời gian.

Nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thường bị suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương. Ảnh: Freepik
Buồn nôn, nôn mửa
Theo UCLA Health, buồn nôn và nôn là tác dụng phụ thường gặp khi điều trị ung thư, đặc biệt là hóa trị. Cảm giác buồn nôn có thể khiến bạn khó ăn. Nam giới đang mắc căn bệnh này có thể thử ăn các bữa nhỏ 5-6 bữa một ngày và tránh thức ăn ngọt, béo, cay hoặc có mùi mạnh.
Nếu cảm giác buồn nôn khiến người bệnh nôn nao, những loại thuốc chống buồn nôn có thể giúp ích. Bạn cũng nên uống càng nhiều chất lỏng càng tốt để giữ cho cơ thể không bị mất nước.
Mất cảm giác ngon miệng
Mệt mỏi, đau và những thay đổi về vị giác, khứu giác góp phần làm người bệnh chán ăn. Tổ chức ZERO - The End of Prostate Cancer về ung thư tuyến tiền liệt của Mỹ đưa ra những lời khuyên như: người bệnh cố gắng hấp thụ nhiều chất lỏng hơn thông qua các món như súp, trà, sữa hoặc các chất thay thế sữa, thêm trái cây tươi vào đồ uống. Các loại gia vị như tỏi, ớt cayenne, thì là hoặc hương thảo làm tăng thêm hương vị món ăn. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì chỉ một vài bữa lớn. Bạn có thể bổ sung thêm protein từ cá, lòng trắng trứng, pho mát hoặc đậu.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyên nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt nên thử các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao và dễ ăn, chẳng hạn như bánh pudding, kem hoặc súp làm từ kem; tập thể dục nhẹ một giờ trước bữa ăn giúp kích thích sự thèm ăn và uống thực phẩm bổ sung dạng lỏng để no lâu khi bạn không muốn ăn.
Suy giảm nhận thức
Theo Tổ chức Ung thư Tuyến tiền liệt của Mỹ, một số người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối bị suy giảm nhận thức hoặc nhầm lẫn do chính căn bệnh này gây ra hoặc do các loại thuốc điều trị. Một số bị sa sút trí tuệ trở rõ ràng hơn sau khi chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Người bệnh có thể thay đổi cảm xúc đột ngột, chẳng hạn như cảm thấy bình tĩnh và sau đó đột nhiên tức giận, gặp khó khăn khi chú ý hoặc tập trung, quên mất mình đang ở đâu hoặc hôm nay là thứ mấy. Nếu bạn gặp phải trường hợp này, bác sĩ sẽ thay đổi chế độ dùng thuốc cho phù hợp. Các bài tập trí não như Sudoku hoặc câu đố ô chữ có thể hữu ích.
Ảnh hưởng đến nhận thức
Ngoài các triệu chứng thể chất và tác dụng phụ, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể ảnh hưởng đến cảm xúc. Theo Tổ chức Ung thư Tuyến tiền liệt, chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hoặc chán nản. Mặc dù vậy, bạn không nên bỏ qua các dấu hiệu cho thấy lo lắng hoặc trầm cảm đang trở nên tồi tệ hơn vì có những phương pháp điều trị có thể giúp ích.
Theo Viện Tâm thần Quốc gia Sức khỏe của Mỹ, các dấu hiệu bao gồm không thể ngừng lo lắng, liên tục nghĩ rằng điều gì đó khủng khiếp có thể xảy ra và không thể ngồi yên. Lo lắng cũng có thể làm tăng nguy cơ lên cơn hoảng loạn, gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi, nhịp tim đập nhanh, khó thở, cảm thấy nghẹn ở cổ họng hoặc cảm thấy sợ hãi đột ngột.
Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, chán ăn, vô vọng, nóng nảy và ngủ quá ít hoặc quá nhiều là những dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh trầm cảm. Bạn có thể mất hứng thú với hoạt động từng yêu thích hoặc bất ngờ rơi nước mắt. Nếu bạn đang cảm thấy bất kỳ cảm xúc nào trong số này nên nói chuyện với bác sĩ để được kê đơn điều trị lo âu, trầm cảm.
Kim Uyên
(Theo Everydayhealth)