Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, tiền sử gia đình mắc bệnh thận và béo phì... là các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh thận. Dưới đây là những cách để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh thận.
Khám sức khỏe định kỳ
Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh thận bằng hai xét nghiệm đơn giản: xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra protein và hồng cầu, xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận là các xét nghiệm cơ bản khi cần biết thận hoạt động như thế nào. Khi có bất thường về các xét nghiệm máu và nước tiểu, cần đi khám chuyên khoa thận để bác sĩ chuyên khoa tư vấn và có hướng xử trí thích hợp, tránh bỏ qua thời gian "vàng" có thể can thiệp, dẫn tới suy thận mạn không có khả năng hồi phục.
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao tăng khả năng mắc bệnh thận. Tăng huyết áp trong thời gian dài gây tăng áp lực lên các mạch máu trong thận dẫn tới suy thận mạn tính không hồi phục. Những người bị huyết áp cao nên dùng thuốc kiểm soát huyết áp thường xuyên, kết hợp thay đổi lối sống phù hợp như cắt giảm muối và rượu, giảm cân, tập thể dục...
Quản lý lượng đường trong máu
Tiến sĩ Hiền chia sẻ, lượng đường trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như hormone, bệnh tật hoặc căng thẳng. Theo thời gian, lượng đường cao có thể khiến các mạch máu bên trong thận bị hẹp và tắc nghẽn, dẫn tới tổn thương mạch máu và gây hại cho thận. Nếu bạn bị tiểu đường, cách tốt nhất để bảo vệ thận của bạn là tác động tích cực đến lượng đường trong máu ở mức tốt nhất có thể. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc để giảm lượng đường trong máu.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng ngăn ngừa bệnh thận. Tiến sĩ Hiền khuyên, bạn nên tăng lượng trái cây và rau quả tươi, nhiều chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt giúp điều chỉnh cholesterol, huyết áp và nồng độ các chất điện giải trong máu. Lượng muối dư thừa trong thực phẩm chế biến sẵn làm tăng huyết áp, nên được hạn chế.
Tập thể dục
Tập thể dục giúp bạn giữ cân nặng hợp lý, kiểm soát huyết áp và cholesterol, tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng, đồng thời giảm nguy cơ mắc tiểu đường, tim mạch và bệnh thận. Có nhiều bài tập giúp bạn khỏe mạnh như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, leo cầu thang...
Ngừng hút thuốc
Hút thuốc gây ra các bệnh ở mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như tim mạch, ung thư phổi, bệnh thận mạn tính. Ngừng hút thuốc là cách đơn giản và hiệu quả phòng ngừa suy thận mạn, có tác động tích cực đến sức khỏe. Nếu bạn không thể tự bỏ hút thuốc, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn điều trị.
Dùng thuốc theo chỉ định
Một số loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính bao gồm kháng sinh, lithium và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen. Người có nguy cơ mắc suy thận mạn nên được thay thế bằng các loại thuốc khác hoặc cần tư vấn bác sĩ trước khi sử dụng, tránh tự ý sử dụng thuốc dẫn tới nguy cơ suy thận mạn.
Tiến sĩ Hiền lưu ý thêm, uống các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, do các địa chỉ không đáng tin cậy cung cấp là nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy thận mạn tại Việt Nam. Một số kinh nghiệm dân gian như uống rượu ngâm mật cá, ngâm một số thực vật cũng có thể dẫn tới suy thận mạn.
Lục Bảo