Hầu hết mọi người đều biết rằng điều trị vô sinh giúp tăng tỷ lệ mang thai đôi. Tuy nhiên, không chỉ những phương pháp hỗ trợ mang thai này mới tăng cơ hội mang song thai mà các yếu tố dưới đây cũng có tác động:
Tuổi tác
Phụ nữ trên 30 tuổi, đặc biệt từ độ tuổi 35, trở đi có cơ hội mang thai đôi cao hơn. Nguyên nhân là do nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) có xu hướng tăng khi phụ nữ già đi. Hormone này đảm nhận vai trò kích thích sự phát triển của trứng trong nang trứng trước khi chúng được phóng thích khỏi buồng trứng.
Cùng với sự lão hóa, nồng độ FSH ở nữ giới sẽ tăng lên bởi vì trứng cần được kích thích để phát triển nhanh hơn trước kia. Đôi khi, chính sự phản ứng thái quá của các nang trứng sẽ khiến cho nồng độ FSH tăng lên và xảy ra trường hợp giải phóng hai thậm chí nhiều trứng hơn. Đây chính là tác nhân gây ra tình trạng mang thai đôi ở nhiều chị em từ độ tuổi 30 trở lên.
Tiền sử gia đình
Tiền sử gia đình có các cặp song sinh giống hệt nhau không nhất thiết giúp bạn tăng tỷ lệ sinh đôi hơn nhưng nếu gia đình bạn có cặp song sinh khác trứng (không giống hệt nhau), cơ hội thụ thai song sinh của bạn sẽ tăng lên.
Nếu có cặp song sinh khác trứng ở cả hai bên cha mẹ hoặc từ người hiến tặng trứng/ tinh trùng thì tỷ lệ sinh đôi thậm chí còn cao hơn.
Cân nặng
Mang thai đôi cũng phổ biến hơn ở những người có cân nặng cao. Những chất béo điển hình trong cơ thể sẽ làm tăng nồng độ estrogen, từ đó tăng sự kích thích tới buồng trứng. Thay vì chỉ có một trứng, buồng trứng có thể phóng thích từ hai thậm chí nhiều trứng hơn trong giai đoạn rụng trứng.
Tuy vậy, với những phụ nữ trong tình trạng thừa cân lại có nguy cơ khó mang thai hơn, do đó cần kiểm soát cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) của mình hợp lý.
Chiều cao
Nữ giới có chiều cao vượt trội có thể dễ mang song thai hơn. Nghiên cứu cho thấy những người có chiều cao trung bình từ 164,5cm có cơ hội mang thai đôi cao hơn những người có chiều cao trung bình từ 161,8cm.
Tuy các nhà nghiên cứu chưa tìm ra lý do nhưng có giả thuyết cho rằng, những người cao hơn được bổ sung nhiều dưỡng chất hơn, là một trong những lý do khiến cho tỷ lệ thụ thai song sinh thành công tăng lên.
Chế độ ăn
Một số loại món ăn điển hình mà bạn ăn hoặc không ăn có thể tác động không nhỏ tới khả năng mang thai song sinh. Trong khi vẫn còn nhiều nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của tình trạng này thì một vài nghiên cứu đã chỉ ra những người ăn nhiều chế phẩm từ sữa có cơ hội mang thai đôi cao hơn.
Một nghiên cứu khác chỉ ra, những người ăn chay ít có cơ hội mang thai đôi hơn những người dung nạp nhiều sản phẩm từ sữa, chỉ khoảng 20% cơ hội. Các tác giả cho rằng, chế độ ăn bao gồm các sản phẩm từ sữa dường như làm tăng khả năng mang đa thai do tăng sự kích thích buồng trứng.
Cũng có một số nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa việc ăn khoai mỡ và tỷ lệ sinh đôi cao hơn. Nguyên nhân cũng tương tự như tác động của việc tiêu thụ chế phẩm từ sữa, có giả thuyết cho rằng khoai mỡ cũng có thể kích thích rụng trứng nhiều lần.
Phụ nữ đang cho con bú
Những người có thai trong giai đoạn đang cho con bú có nhiều khả năng sinh đôi hơn. Thực tế, việc cho con bú cũng có thể ức chế khả năng sinh sản và ngăn ngừa mang thai, đặc biệt là trong 6 tháng đầu tiên nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể mang thai khi cho con bú và đặc biệt là mang thai song sinh.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh đôi là 11,4% ở những người cho con bú so với chỉ 1,1% ở những người không cho con bú.
Ngoài các yếu tố trên, sinh đôi cũng phổ biến hơn ở những người đã mang nhiều lần và có gia đình đông con. Trong khi đó, người da đen cũng có khả năng sinh đôi cao hơn người da trắng và người châu Á ít có khả năng sinh đôi hơn.
Bảo Bảo (Theo Very Well Family)