BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như lối sống không khoa học (hút thuốc lá, rượu bia, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động), bệnh lý (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu), di truyền.
Để phòng bệnh, mỗi người cần tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, giảm căng thẳng, tránh thừa cân, béo phì, ăn uống đa dạng và cân bằng. Nên ăn đa dạng rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh; hạn chế các món nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh.
Theo bác sĩ Hoài, trong các loại thực phẩm, nấm chứa nhiều protein thực vật, ít béo, chất xơ, axit amin thiết yếu, hợp chất có hoạt tính y sinh học hỗ trợ kiểm soát yếu tố nguy cơ bệnh tim. Dưới đây là các loại nấm nên chọn.
Nấm hương (nấm đông cô) giàu các hợp chất eritadenine và sterol giúp giảm cholesterol xấu. Thực phẩm chứa lentinan - một loại beta-glucan (chất xơ hòa tan) tăng cường hệ thống miễn dịch, có tác dụng chống viêm, gián tiếp hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Nấm linh chi chứa hoạt chất triterpenes hỗ trợ giảm huyết áp và cholesterol. Ăn nhiều loại nấm này còn có tác dụng phòng ngừa đái tháo đường có liên quan mật thiết đến bệnh tim mạch.
Nấm bào ngư cung cấp beta-glucan dồi dào và các chất xơ khác giúp điều chỉnh mức cholesterol trong máu. Chúng cũng chứa các peptide có khả năng ức chế loại enzyme ACE (angiotensin-converting enzyme), hỗ trợ điều hòa huyết áp.
Nấm rơm chứa kali (giúp duy trì chức năng mạch máu) và đồng (có đặc tính chống vi khuẩn, nhờ đó ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm các cơ quan nội tạng). Ngoài ra, hàm lượng cao protein lành mạnh trong nấm rơm còn đốt cháy cholesterol xấu trong cơ thể.
Nấm đông trùng hạ thảo hỗ trợ ổn định chỉ số mỡ máu, kiểm soát đường huyết, cải thiện chức năng tim và điều hòa lưu lượng máu. Nấm đông trùng hạ thảo góp phần chống viêm và stress oxy hóa - yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Nấm tuyết giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, D và B, natri, kali, canxi, kẽm... Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều chất xơ và protein, rất tốt đối với hệ tim mạch, thúc đẩy lưu thông máu trơn tru.
Theo bác sĩ Hoài, ngoài các loại nấm trên, nấm kim châm, nấm Maitake, nấm Chaga, nấm sò... cũng chứa các dưỡng chất có lợi cho tim.
Chất xơ góp phần làm giảm mức lipoprotein mật độ thấp LDL (cholesterol xấu), có thể ngăn ngừa hình thành mảng xơ vữa, giảm nguy cơ phát triển bệnh mạch vành.
Chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do có hại, giảm viêm và bảo vệ sức khỏe mạch máu, từ đó duy trì tim mạch khỏe mạnh.
Kali cân bằng natri, kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Vitamin D có nhiều trong nấm.Thiếu vitamin D là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề liên quan đến tim như bệnh mạch vành, suy tim, rung nhĩ.
Bác sĩ Hoài lưu ý để nấm phát huy công dụng tối đa, mọi người cần chọn loại chất lượng và bảo quản đúng cách, tránh dập nát, ẩm mốc, có đốm đen.
Thu Hà
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |