Kiêng thực phẩm chứa cholesterol
Nhiều người cắt giảm trứng và thực phẩm khác có chứa cholesterol sau khi được chẩn đoán cholesterol cao. Tuy nhiên, cholesterol trong chế độ ăn uống tác động nhỏ đến mức cholesterol trong máu. Trong khi đó chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) nhiều hơn. Thay vì tránh hoàn toàn thực phẩm giàu cholesterol, mọi người nên hạn chế chất béo bão hòa có trong các loại thịt mỡ. Bổ sung chất béo lành mạnh tim từ các loại hạt, quả bơ, cá béo có tác dụng tốt.
Thay đổi chế độ ăn uống sẽ hết cholesterol cao
Thay đổi chế độ ăn uống cân bằng giúp cải thiện mức cholesterol nhưng có thể không tạo ra tác động đáng kể ở một số người. Điều này do cholesterol trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như giấc ngủ, mức độ căng thẳng, tập thể dục, di truyền. Ngoài chế độ dinh dưỡng, mọi người cần ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng, hoạt động thể chất thường xuyên.
Cắt bỏ toàn bộ chất béo
Vai trò của các loại chất béo không giống nhau. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Tuy nhiên chất béo không bão hòa có thể giúp giảm nguy cơ này nhờ đặc tính chống viêm, tăng cholesterol tốt, giảm loại xấu. Thay vì loại bỏ hoàn toàn chất béo khỏi chế độ ăn, hãy tăng lượng chất béo không bão hòa từ loại hạt, quả bơ, cá béo.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Hầu hết người bị cholesterol cao không có triệu chứng, nên khó biết sức khỏe có vấn đề nếu không xét nghiệm. Mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi mức cholesterol.
Lượng cholesterol cao khi cân nặng tăng
Người gầy hay thừa cân đều có thể có mức cholesterol cao vì tình trạng này còn liên quan đến các yếu tố như di truyền, tiền sử gia đình, thực phẩm. Các chuyên gia khuyến cáo người lớn khỏe mạnh trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol thường xuyên. Người bị tiểu đường hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim cần chú ý hơn. Xét nghiệm giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường để điều chỉnh lối sống, chế độ ăn.
Không cần lo lắng về cholesterol cho đến khi già
Cholesterol cao xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường bắt đầu từ khi còn trẻ, nguy cơ cao hơn ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Không nên đợi đến khi được chẩn đoán cholesterol cao mới bắt đầu chú ý đến chế độ ăn uống, lối sống.
Mọi người nên hình thành thói quen tốt cho tim mạch, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế chất béo bão hòa, đường bổ sung, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng. Trẻ em và thanh thiếu niên bị cholesterol cao nên duy trì tập thể dục đều đặn để bảo vệ sức khỏe tổng thể, cân bằng cholesterol.
Lê Nguyễn (Theo Eating Well)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |