Ung thư buồng trứng là loại ung thư khá phổ biến ở phụ nữ, thường gây ra các triệu chứng như đầy hơi, táo bón, đau bụng, đau xương chậu, ảnh hưởng kinh nguyệt... Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm phổ biến về ung thư buồng trứng, theo phân tích của Trung tâm Y học ung thư, bệnh viện Trưởng lão Weill Cornell (Mỹ).
Triệu chứng dễ nhận biết
Triệu chứng của ung thư buồng trứng không rõ ràng và không đặc hiệu, có thể nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác. Vì buồng trứng được bao quanh bởi ruột kết nên người bệnh có thể nghĩ mình đang gặp vấn đề về tiêu hóa nếu bị đau bụng, đầy hơi, đau vùng chậu... Do đó, nếu có bất kỳ sự khó chịu ở bụng hoặc đau vùng chậu kéo dài hơn vài ngày, chị em nên xem xét về khả năng ung thư buồng trứng và gặp bác sĩ kiểm tra nếu tình trạng đau vùng chậu không thuyên giảm.
Không có cách phòng ngừa
Khó có thể ngăn chặn ung thư buồng trứng nhưng một số biện pháp có thể giúp phụ nữ phòng ngừa ung thư này. Ví dụ, việc sử dụng thuốc tránh thai trong 5 năm có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Biện pháp này cũng hiệu quả ngay cả ở phụ nữ có đột biến BRCA1 hoặc BRCA2, vốn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng.
Không thể sàng lọc ở giai đoạn đầu
Trên thực tế, siêu âm có thể phát hiện khá tốt khối u buồng trứng. Siêu âm được sử dụng như một công cụ sàng lọc đầu tiên để phát hiện bất thường ở buồng trứng khi các xét nghiệm khác đắt tiền và lâu hơn. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác ung thư buồng trứng, cần làm thêm các xét nghiệm sinh hóa khác.
Phụ nữ có đột biến BRCA có nguy cơ mắc bệnh cao nhất
Người mang đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 có rủi ro mắc ung thư buồng trứng trung bình lần lượt là 40 -75% và 11-34%. Tuy nhiên, phụ nữ có đột biến này không có nghĩa có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao nhất. Bạn không có đột biến gene BRCA nhưng vẫn có khả năng mắc ung thư này cao nếu có tiếp xúc với các độc tố môi trường gây phát triển đột biến và ung thư. Nhìn chung, hầu hết các bệnh ung thư đều do di truyền nhưng không phải tất cả các đột biến gene đều do di truyền, một số là do mắc phải trong quá trình sống.
Xét nghiệm máu CA-125 để phát hiện ung thư buồng trứng
Các bác sĩ đôi khi sử dụng xét nghiệm máu này để đo lượng protein CA-125 trong máu như một bước sàng lọc đầu tiên để phát hiện sự có mặt của tế bào ung thư buồng trứng. Nhưng đây không phải là một xét nghiệm chẩn đoán. Có nhiều loại ung thư buồng trứng khác nhau, một số loại không tạo ra loại protein CA-125. Vì vậy, khả năng phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn đầu của xét nghiệm này là dưới 50%. Xét nghiệm máu CA-125 chỉ hữu ích trong việc theo dõi tình trạng bệnh ở người đã được chẩn đoán.
Ung thư buồng trứng bắt đầu từ ống dẫn trứng
Theo tiến sĩ David A. Fishman, Trung tâm Y học ung thư, bệnh viện Trưởng lão Weill Cornell, thực tế có một số giả thuyết mạnh mẽ cho rằng ung thư buồng trứng bắt đầu từ ống dẫn trứng và lan đến buồng trứng. Tuy nhiên, mối liên hệ này vẫn chưa được nghiên cứu và khẳng định chắc chắn. Hiện, các nhà khoa học đang nghiên cứu nếu tiền ung thư bắt đầu trong ống dẫn trứng là đúng thì việc điều trị ngay từ ống dẫn trứng có ngăn chặn được ung thư buồng trứng phát triển hay không.
Mai Cat
(Theo Everyday Health)