Bệnh cơ tim là một dạng của suy tim. Một số thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa suy yếu cơ tim.
Kiểm soát huyết áp: Giữ huyết áp ở mức 120/80 mmHg là cách đảm bảo trái tim không làm việc quá sức, giúp giảm nguy cơ suy yếu cơ tim. Duy trì huyết áp khỏe mạnh cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, suy thận, mất thị lực, rối loạn chức năng tình dục, đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và dầu thực vật là cách tốt nhất để ngăn ngừa suy yếu cơ tim nói riêng và bệnh tim mạch nói chung. Một số thực phẩm bạn cần hạn chế để bảo vệ tim gồm: thịt đỏ, carbohydrate tinh chế, thực phẩm đã qua chế biến, rượu.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn dựa trên thực vật đặc biệt tốt cho tim mạch và giảm nguy cơ suy yếu tim lên đến 20%.
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: Kích thước vòng eo và cân nặng dư thừa là những yếu tố nguy cơ lớn đối với bệnh mạch vành. Giảm cân, đưa vòng eo về kích thước hợp lý là những cách có thể giúp tránh xa bệnh lý cơ tim suy yếu.
Tập thể dục: Mỗi người nên dành 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất cường độ trung bình để ngăn ngừa suy yếu cơ tim. Tập thể dục giúp tim khỏe mạnh và máu lưu thông tối ưu, chống lại tác động của quá trình lão hóa lên hệ thống tim mạch. Hoạt động thể chất thường xuyên có rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như giảm nguy cơ tiểu đường, đột quỵ, loãng xương hoặc một số bệnh ung thư...
Kiểm soát căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng ngoài tác dụng giúp cải thiện giấc ngủ, duy trì cân nặng hợp lý còn giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức, ngăn ngừa suy yếu cơ tim.
Theo dõi tương tác thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng kiểm soát triệu chứng suy tim nhưng cũng có những loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và chất bổ sung có thể tương tác nguy hiểm, làm tăng các triệu chứng suy tim, đe dọa sức khỏe người bệnh. Do vậy, trước khi sử dụng thuốc người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ, ngừng thuốc ngay lập tức nếu các triệu chứng diễn biến xấu.
Có nhiều nguyên nhân gây suy yếu cơ tim, gồm bệnh tiểu đường, bệnh mạch vành, huyết áp cao, béo phì, hút thuốc lá, dị tật tim bẩm sinh. Suy yếu cơ tim nếu không kiểm soát sẽ có thể dẫn đến các triệu chứng khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, phù ngoại vi (sưng chân, mắt cá chân và bàn chân); cổ trướng(bụng đầy hơi tích tụ thành chất lỏng); nhịp tim nhanh, đập thình thịch hoặc rung rinh; căng thẳng, khó chịu ở ngực; ho khi nằm; mệt mỏi mạn tính; chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu.
Anh Chi (Theo Very Well Health)