Một người bình thường đi tiểu 5-7 lần vào ban ngày, tối đa một lần ban đêm. Phần lớn mọi người ngủ liên tục 8 tiếng mà không cần thức giấc để đi vệ sinh. Người bị tiểu đêm thường phải đi tiểu từ hai lần trở lên trong đêm.
BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết 6 bệnh dưới đây thường khiến nam giới tiểu đêm.
Viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là cơ quan thuộc hệ tiết niệu - sinh dục chỉ có ở nam giới, nằm dưới bàng quang, bao bọc quanh niệu đạo. Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở nam giới trung niên từ 50 tuổi trở lên. Tiểu đêm là triệu chứng phổ biến của bệnh này.
Phì đại tuyến tiền liệt
Tăng sinh tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt) là u lành thường gặp ở nam giới trung niên, kích thước u tăng dần theo tuổi. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên khi phì đại có thể gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu. Thành bàng quang cũng dày lên, khó làm trống nước tiểu. Khi có triệu chứng tiểu đêm thường xuyên, nam giới nên đi khám sớm để kiểm soát tình trạng.
Sỏi thận
Sỏi thận là bệnh phổ biến ở nam giới trung niên. Đàn ông có cấu tạo đường tiết niệu phức tạp hơn nên sỏi thường khó tự đào thải. Sỏi thận gây kích ứng bàng quang, căng tức đường tiểu, có thể gây tiểu đêm nhiều lần.
Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng co bóp không đúng lúc của bàng quang, khiến người bệnh muốn đi tiểu thường xuyên cả ngày lẫn đêm, đột ngột, khó kiểm soát, tiểu gấp. Nếu tổng số lần đi tiểu của nam giới nhiều hơn 8 lần vào ban ngày và hai lần vào ban đêm thì khả năng cao mắc bàng quang tăng hoạt.
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính gây áp lực và đau bàng quang. Một số trường hợp đau vùng chậu từ khó chịu đến dữ dội.
Bàng quang là cơ quan rỗng, lưu trữ nước tiểu. Cơ quan này giãn nở cho tới khi đầy, sau đó báo hiệu cho não bộ đã tới lúc cần đi tiểu thông qua những dây thần kinh vùng chậu. Những tín hiệu này ở người bệnh viêm bàng quang kẽ lẫn lộn dẫn đến đi tiểu nhiều hơn, với lượng nước tiểu ít hơn bình thường.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi nhiễm trùng tiểu niệu, bàng quang bị kích thích. Người bệnh tiểu liên tục cả ngày và đêm, có thể kèm đau rát, nước tiểu đục, tiểu máu và có mùi.
Các nguyên nhân khác
Lạm dụng chất kích thích như thức uống có cồn (rượu, bia), trà, cà phê hoặc tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu có thể kích thích các cơ bàng quang liên tục, làm tần suất đi tiểu tăng lên, phần lớn là tiểu đêm.
Nam giới tiểu đêm nhiều lần cũng có thể do lão hóa. Khả năng chứa của bàng quang của người lớn tuổi suy giảm, dẫn đến tăng tần suất đi tiểu.
Người thường xuyên lo lắng, căng thẳng kéo dài, tâm lý mệt mỏi và bất ổn hoặc người mắc bệnh đái tháo đường, suy tim, parkinson có nguy cơ mắc chứng tiểu đêm rất cao.
Bác sĩ Tiến Đạt cho biết nam giới tiểu đêm nhiều lần nhưng không thường xuyên hoặc uống nhiều nước trước khi đi ngủ là bình thường. Tuy nhiên, tiểu đêm nhiều lần gây mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, khả năng sinh lý. Nếu trì hoãn điều trị, chức năng của bàng quang giảm dần theo thời gian. Bác sĩ khuyến cáo nam giới có triệu chứng tiểu đêm bất thường cần đi khám để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị.
Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh cần hạn chế uống bia, rượu, cà phê, trà, tránh uống quá nhiều nước lọc trước khi ngủ. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để tăng sức đề kháng, tăng trương lực cơ cho cơ bàng quang, giúp phục hồi chức năng cơ quan này.
Hoàng Liên Sơn
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |