Bệnh tim được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với cả nam và nữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hầu hết các cơn đau tim và các nguyên nhân gây tử vong do bệnh tim khác đều có thể ngăn ngừa được. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát, phòng tránh:
Huyết áp cao
Một trong những yếu tố hàng đầu gây bệnh tim là tăng huyết áp. Huyết áp bao gồm 2 chỉ số: số đầu tiên (hoặc trên cùng tùy thiết bị đo) là huyết áp tâm thu chỉ áp lực của máu lên thành động mạch trong nhịp tim khi tim đang bơm máu. Số thứ hai là huyết áp tâm trương chỉ áp lực của máu lên thành động mạch giữa các nhịp tim khi tim chứa đầy máu.
Huyết áp bình thường ở mức 119/79 hoặc thấp hơn, khi con số này tăng lên từ 120 đến 139 (tâm thu) và 80 đến 89 (tâm trương) tức là bạn đã bị tiền cao huyết áp. Các chuyên gia khuyên những người bị tiền cao huyết áp nên thay đổi lối sống lành mạnh như tập thể dục, ăn uống để giảm nguy cơ biến chứng huyết áp, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và tổn thương thận.
Tăng cholesterol
Là yếu tố dẫn tới bệnh tim không còn xa lạ, cholesterol là một loại chất béo đồng thời cũng là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol "xấu" (LDL) hoặc không đủ loại cholesterol "tốt" (HDL) trong máu sẽ làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch, dẫn đến bệnh tim, đau tim và đột quỵ.
Cholesterol được coi là bất thường khi: tổng lượng cholesterol là 200 hoặc cao hơn, HDL dưới 40, LDL cao hơn 160, còn ở mức từ 190 trở lên là rất cao. LDL càng thấp thì càng tốt, dưới 100 được coi là tối ưu; 100 đến 129 là gần tối ưu; 130 đến 159 là ngưỡng cao.
Thừa cân, béo phì
Chỉ số BMI có thể hiểu là cách đo gián tiếp lượng mỡ trong cơ thể, đánh giá mức độ thừa cân. Để tính chỉ số khối cơ thể, người ta dựa vào chiều cao (m) và cân nặng (kg), theo đó, BMI được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao.
Chỉ số BMI từ 18,5-24,9 là lý tưởng, từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên cho thấy bạn đã bị béo phì. Béo phì là một trong những yếu tố gây bệnh tim vì làm tăng nguy cơ mắc cholesterol cao và huyết áp cao. Do đó, hãy kiểm soát cân nặng của mình thông qua chế độ ăn uống và luyện tập để chỉ số BMI ở mức an toàn.
Đường huyết cao
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao. Họ cũng có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn người không mắc bệnh.
Xét nghiệm đường huyết thường được thực hiện lúc đói hoặc không ăn uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc trong ít nhất 12 giờ. Đường huyết lúc đói bình thường là 100 hoặc ít hơn, tiền tiểu đường là ở mức từ 101 đến 125 và từ 126 trở lên đã bị bệnh tiểu đường.
Kiểm soát cân nặng và chăm chỉ tập thể dục có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng là giúp phòng tránh bệnh tim mạch.
Lười vận động
Lười tập thể dục là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến béo phì, thừa cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch. Đại học Y khoa Thể thao Mỹ khuyến nghị, tập thể dục nhịp điệu từ 3 đến 5 ngày một tuần trong 30 đến 45 phút với các bài tập tăng cường sức mạnh cho tim như đạp xe, bơi lội và chạy bộ có thể giúp tăng cường sức mạnh tim mạch. Với những người thích đi bộ thể dục, giới chuyên gia cũng khuyên hãy duy trì từ 30 phút mỗi ngày.
Bảo Bảo (Theo WebMD)