Đau tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc cắt đứt hoàn toàn. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngoài giới tính, độ tuổi, tiền sử gia đình, có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy cơn đau tim.
Lượng cholesterol cao
Gan tạo ra cholesterol - chất sáp đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản xuất hormone, cấu trúc màng tế bào cùng nhiều chức năng khác. Cholesterol cao có thể gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch, lâu dài có thể dẫn đến đau tim. Sự tích tụ của mảng bám do cholesterol cao khiến cơ thể bị giảm hoặc cắt nguồn cung cấp máu cho một phần quan trọng của não, dễ khiến đột quỵ xảy ra. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mức cholesterol xấu.
Lượng triglyceride cao
Cùng với mức cholesterol cao, chỉ số triglyceride cao. Đây là chất béo trung tính luôn có ở trong máu do thức ăn chuyển hóa mỗi ngày và gan tạo ra cũng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, mỡ máu, đau tim, nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, đột quỵ.
Cơ thể có thể chuyển hóa một số loại thực phẩm thành chất béo trung tính. Cụ thể, khi ăn nhiều calo hơn nhu cầu của cơ thể, lạm dụng chất béo hoặc nhiều carbohydrate đơn giản (soda, đồ ngọt), lượng calo dư thừa sẽ chuyển hóa thành triglyceride, được lưu trữ dưới dạng mỡ.
Giảm mức cholesterol và triglyceride bằng cách giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống. Ưu tiên chất béo không bão hòa có trong dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt, hạt giống và cá. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, trái cây, đậu, cây họ đậu và đậu phụ cung cấp nhiều lợi ích dinh dưỡng. Chúng ít calo, chất béo bão hòa, nhiều chất xơ và kali góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, các bệnh mạn tính.
Lạm dụng rượu
Rượu gây hại sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Đồ uống này vào cơ thể làm tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời, có thể hình thành những cơn đau tim. Uống quá nhiều rượu có khả năng làm tăng cả mức cholesterol, triglyceride trong cơ thể. Nam giới nên giới hạn lượng tiêu thụ không quá hai ly mỗi ngày và một ly mỗi ngày với nữ giới.
Không tập thể dục đủ
Tập thể dục thường xuyên giúp tim khỏe mạnh, thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu bên trong động mạch vành. Mỗi người nên tập 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải từ các hoạt động như aerobic, đi bộ, đạp xe, tập gym.
Căng thẳng
Dù căng thẳng không trực tiếp gây ra cơn đau tim nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch bằng cách tác động đến lối sống. Ví dụ, những người bị căng thẳng kéo dài có thể ăn quá nhiều, chọn thực phẩm ít dinh dưỡng, bắt đầu hút thuốc hoặc hút thuốc thường xuyên hơn, uống nhiều rượu hơn. Một số hoạt động góp phần kiểm soát căng thẳng bao gồm tập thể dục, yoga, thiền và ưu tiên ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Lê Nguyễn (Theo Eating Well)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |