Các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với cơn đau tim bao gồm hút thuốc, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, lười vận động. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân ít phổ biến nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe tim.
Cảm xúc
Các nghiên cứu chỉ ra, sự tức giận, đau buồn đôi khi có thể gây ra cơn đau tim. Điều này có thể xảy ra do nhịp tim, huyết áp tăng đột ngột kích hoạt bởi những cảm xúc mạnh mẽ.
Bởi vì nhiều người trong chúng ta trải qua những cảm xúc này trong suốt cuộc đời của mình, chúng có nhiều khả năng tác động tiêu cực đến những người vốn đã có nguy cơ bị đau tim cao hơn do các yếu tố rủi ro truyền thống khác.
Có một tình trạng gọi là bệnh cơ tim Takotsubo - hiện tượng đảo ngược cấu trúc cơ tim, đặc trưng bởi rối loạn chức năng tâm thu tạm thời, phình giãn đỉnh tim của thất trái. Bệnh có xu hướng xảy ra thường xuyên ở phụ nữ vào những thời điểm cảm xúc mãnh liệt, gây ra cơn đau ngực có triệu chứng giống như đau tim, dẫn đến co thắt động mạch. Khi được điều trị, chức năng tim thường trở lại bình thường sau vài tuần.
Gắng sức đột ngột
Một hoạt động thể chất đột ngột, vất vả có thể dẫn đến đau tim ở những người không đủ sức khỏe. Tình trạng này có thể xảy khi chơi thể thao, xúc đất, mang vác nặng... Những người không quen tập thể dục hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim sẽ dễ có nguy cơ bị cao hơn.
Thời tiết lạnh
Nhiệt độ giảm xuống, các mạch máu co lại làm giảm lượng máu đến tim, có thể gây đau tim. Khi hoạt động thể chất, mạch máu giãn ra để cung cấp nhiều máu hơn đến các cơ quan theo nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, thời tiết lạnh có thể làm co mạch khiến lưu lượng máu có thể bị gián đoạn. Thời tiết lạnh cũng khiến tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cơ thể, do đó nhịp tim, huyết áp có thể tăng lên.
Đối tượng dễ gặp biến cố tim mạch trong mùa lạnh là người cao tuổi (trên 65 tuổi); người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính; người có tiền sử đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đã phẫu thuật tim. Để phòng tránh biến cố tim mạch, mỗi người nên giữ ấm cơ thể, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tiêm vaccine phòng cúm (mỗi năm từ tháng 9), vaccine phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn. Khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ và châu Âu cho biết, người có bệnh tim mạch cần tiêm ngừa cúm, phế cầu, giúp giảm biến cố, giảm nhập viện vì bệnh tim mạch và giảm tử vong do mọi nguyên nhân.
Ăn nhiều
Một bữa ăn đôi khi có thể gây ra cơn đau tim. Các chuyên gia không biết chính xác tại sao điều này xảy ra. Nếu có nguy cơ bị đau tim, bạn nên hạn chế tổng lượng calo nạp vào và tránh ăn quá no trong các bữa ăn.
Các bệnh khác
Khi được chẩn đoán mắc một bệnh không liên quan đến tim, người bệnh không nghĩ về nguy cơ đau tim. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp, lupus, các bệnh có thể gây viêm trong mạch máu, tiền sản giật, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường thai kỳ... làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ đau tim.
Khi được chẩn đoán mắc các bệnh trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ tim mạch bên cạnh bác sĩ điều trị thông thường.
Lê Nguyễn (Theo Cleveland Clinic)