Di truyền, môi trường, lối sống là một số yếu tố có tác động đến tuổi thọ. Một số thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng xấu đến quá trình lão hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Tất cả đều có thể rút ngắn tuổi thọ của một người. Dưới đây là 5 món ăn uống có thể gây hại.
Rượu
Ngoại trừ rượu vang đỏ có chứa chất chống oxy hóa, đa số các loại rượu đều tác động xấu đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau.
Rượu làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư vú dù uống ở mức độ thấp. Rượu là chất ức chế miễn dịch, nhất là ở người lớn tuổi do hệ thống miễn dịch suy giảm theo tuổi tác (lão hóa miễn dịch). Uống rượu thường xuyên kết hợp với quá trình này càng khiến hệ thống miễn dịch hoạt động kém, dễ nhiễm bệnh. Nam giới không nên uống quá hai ly rượu và phụ nữ là một ly rượu mỗi ngày, tốt nhất là không nên uống.
Thịt chế biến sẵn
Xúc xích, bánh mì kẹp xúc xích, bắp bò ủ muối được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là chất gây ung thư nhóm một. Tiêu thụ những thực phẩm này thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ăn 50 g thịt chế biến sẵn, tương đương với một chiếc xúc xích hàng ngày cũng làm tăng 16% nguy cơ ung thư ruột già, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ. Ăn thực phẩm tự nhiên, chưa qua chế biến, có nguồn gốc thực vật giúp kéo dài tuổi thọ.
Đồ uống có đường
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, lượng đường bổ sung trong chế độ ăn giàu đường, đồ uống nhiều đường là một trong những thủ phạm chính làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạn tính như tiểu đường type 2, bệnh tim, thận và gan.
Lượng đường dư thừa có nguy cơ gây rối loạn tâm trí, suy giảm nhận thức. Các chuyên gia khuyến khích áp dụng chế độ ăn uống MIND vì tốt cho sức khỏe. Kiểu ăn này có nhiều thực phẩm lành mạnh như rau, quả mọng, dầu ô liu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, đậu và thịt gia cầm; tránh hoặc hạn chế đồ ngọt.
Thực phẩm siêu chế biến
Ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến (UPF) như các mặt hàng như đồ ăn nhẹ đóng gói trong thời gian dài có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa, rút ngắn telomere. Đây là những sợi DNA che chắn các đầu của nhiễm sắc thể, có tác dụng bảo vệ DNA khỏi bị hư hại và mỗi khi tế bào phân chia, telomere trở nên ngắn hơn. Khi telomere ngắn lại, DNA của tế bào dễ bị tổn thương hơn, giảm chức năng hay nói cách khác là tuổi thọ suy giảm.
Giảm lượng thực phẩm này để quá trình lão hóa khỏe mạnh, sống lâu hơn. Ưu tiên thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến.
Thịt chiên, thịt cháy
Thịt chế biến sẵn gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe nhưng cách chế biến các nguồn protein động vật tươi cũng có nguy cơ tương tự. Trong đó, điển hình là phương pháp chiên và nướng ở nhiệt độ cao. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, cả hai cách này đều có thể tạo ra các hợp chất có hại gọi là amin dị vòng (HCA) và hydro thơm đa vòng (PAH). Chúng có khả năng gây đột biến tế bào, làm tăng nguy cơ ung thư.
PAH và HCA được hình thành tùy thuộc vào loại thịt, cách chế biến và thời gian nấu. Tránh nướng thịt trong thời gian dài dưới nhiệt độ trực tiếp. Chẳng hạn thịt chín kỹ có thể chứa nhiều hợp chất có hại, cắt bỏ phần cháy đen, tránh sử dụng nước sốt mua sẵn và thường xuyên đảo thịt khi nấu trực tiếp dưới nhiệt độ cao.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |