Thức ăn cung cấp nhiên liệu cho nhiều hoạt động, chức năng của cơ thể, nhưng ăn không đúng lúc có thể gây hại nhiều hơn lợi. Một số thói quen ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làn da. Dưới đây là 5 cách ăn uống không phù hợp có thể tác động xấu đến sức khỏe tổng thể.
Bỏ bữa sáng có thể kích hoạt hormone căng thẳng
Bữa sáng thường được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Cơ thể đã trải qua khoảng thời gian nhịn ăn kéo dài cả đêm, do đó ăn sáng cung cấp năng lượng, khởi động các quá trình quan trọng. Bữa sáng không chỉ giảm cảm giác đói mà nuôi dưỡng cơ thể và tăng cường hoạt động trí óc.
Bỏ bữa sáng có thể khiến nồng độ cortisol - hormone gây căng thẳng, tăng đột biến, dẫn đến lo lắng, mệt mỏi và thèm thực phẩm không lành mạnh vào cuối ngày. Nhịn ăn kéo dài vào buổi sáng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến duy trì cân nặng khỏe mạnh khó khăn hơn.
Bữa sáng lành mạnh nên có đủ năng lượng gồm chất bột đường, chất béo, chất đạm và chất xơ. Ví dụ ăn bánh mì nướng bơ làm từ lúa mì nguyên cám với trứng. Quả bơ chứa chất béo tốt, bánh mì nướng lúa mì nguyên cám cung cấp chất xơ, còn trứng bổ sung nguồn protein.
Uống trà hoặc cà phê lúc đói dẫn đến ợ nóng
Bắt đầu ngày mới bằng cách thưởng thức một ly trà hoặc cà phê thay vì thức ăn có thể gây hại dạ dày. Caffeine trong những thức uống này kích thích sản xuất axit mà trong dạ dày trong khi bụng đói có thể gây hại cho niêm mạc. Điều này có thể dẫn đến khó chịu, trào ngược axit, ợ nóng nghiêm trọng, kích ứng đường ruột và các vấn đề tiêu hóa lâu dài. Ăn nhẹ trước khi uống trà, cà phê để tránh các triệu chứng không mong muốn này.

Uống cà phê lúc bụng đói có thể dẫn đến kích ứng đường ruột, gây ợ nóng, trào ngược axit. Ảnh: Thùy Vi
Ăn trưa quá no có khả năng làm chậm tiêu hóa
Bữa trưa nên chọn thực phẩm lành mạnh để cung cấp năng lượng cho cơ thể, không cảm thấy uể oải trong suốt buổi chiều. Ăn trưa với các món ăn liền hoặc quá nhiều có thể gây quá tải cho hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình trao đổi chất và dẫn đến đầy hơi hoặc khó chịu. Mọi người nên ăn trưa nhẹ, hạn chế các món ăn nhanh, nhiều chất béo để hỗ trợ tiêu hóa, giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.
Ăn tối muộn có thể gây áp lực cho gan
Gan đóng vai trò quan trọng trong việc giải độc cơ thể và xử lý chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, ăn nhiều vào đêm khuya buộc cơ quan này phải làm việc quá sức thay vì nghỉ ngơi. Điều này có thể dẫn đến tiêu hóa chậm, tích tụ chất béo và tăng lượng độc tố tích tụ trong cơ thể. Theo thời gian, nó cũng có thể góp phần làm da xỉn màu, lão hóa sớm do quá trình giải độc không hiệu quả.
Bạn nên ăn đúng bữa, nếu ăn khuya hãy chọn thực phẩm kết cấu nhẹ như sữa chua, trái cây và hạn chế dùng trước một giờ khi đi ngủ. Thời điểm phù hợp để ngừng ăn ban đêm có thể phụ thuộc vào sở thích cá nhân cũng như các yếu tố khác như công việc, mức độ đói...
Ăn vặt nửa đêm làm gián đoạn hormone giấc ngủ
Ăn vặt lúc nửa đêm có vẻ dễ chịu nhưng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Melatonin là hormone tạo cảm giác buồn ngủ, được giải phóng vào ban đêm để thúc đẩy giấc ngủ sâu. Ăn trong thời gian này có thể ức chế sản xuất melatonin khiến khó ngủ. Ngủ kém có thể khiến mắt thâm quầng, da xỉn màu, trông mệt mỏi cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi da theo thời gian.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |