Táo bón là dạng của rối loạn đường tiêu hóa với các biểu hiện phổ biến như không đại tiện quá ba ngày, phân lớn, khô, cứng, vón cục, chướng bụng, đau hoặc xuất huyết hậu môn.
Khi đi du lịch dịp lễ, trẻ có thể bị táo bón do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn không đúng giờ, ít chất xơ, uống ít nước. Nhiều nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như nhịn đại tiện thường xuyên (sợ bẩn, mải chơi, thay đổi môi trường), mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, do bệnh lý (phình hẹp đại tràng, dị tật hậu môn trực tràng, khiếm khuyết về nhu động ruột, thiếu hụt hay tổn thương đám rối thần kinh vùng cùng cụt, suy giáp). Trẻ ít vận động hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh... cũng có thể gây táo bón.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ bị táo bón kéo dài có thể trở thành táo bón mạn tính. Chất thải tích tụ lâu ngày ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển, khiến bé khó chịu, quấy khóc và chậm tăng cân, nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng.
Chế độ ăn của trẻ táo bón nên tăng cường các loại rau quả giàu vitamin C và chất xơ hòa tan. Vitamin C có tác dụng cải thiện nhu động ruột, thúc đẩy chất thải ra khỏi cơ thể. Chất xơ hòa tan hấp thụ nước, tạo thành chất giống như gel tạo độ trơn, phân di chuyển theo đường tiêu hóa dễ dàng hơn, tăng độ đặc cứng của phân, giúp trẻ cải thiện chứng táo bón.
Rau mồng tơi cung cấp nhiều vitamin C (khoảng 5,9 mg trong 100 g) và chất xơ hòa tan pectin (khoảng 2,5 g trong 100 g). Rau mồng tơi còn mọng nước và chứa nhiều chất polysaccharide trong dịch nhầy của lá. Chúng có tác dụng kích thích nhu động ruột và nhuận tràng, hỗ trợ làm mềm phân.
100 g rau lang có khoảng 11 mg vitamin C và 5,3 g chất xơ, trong đó 1,4 g là chất xơ hòa tan chống táo bón. Chất nhựa từ lá khoai lang cũng có khả năng hỗ trợ nhuận tràng, giúp trẻ cải thiện tình trạng khó đi đại tiện do phân khô, cứng, vón cục.
Rau đay chứa 3,2 mg vitamin C và 1,5 g chất xơ hòa tan trong 100 g. Rau đay cũng chứa nhiều nước và chất nhầy. Các chất có tác dụng bôi trơn, làm mềm phân, tăng lưu chuyển ruột, giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động trơn tru, dễ tống đẩy phân ra ngoài.
Thanh long nhiều nước, vitamin C (khoảng 34,7 mg C trong 100 g) và chất xơ hòa tan (1,8 g trong 100 g). Nó có tác dụng nhuận tràng, tăng hấp thụ nước làm mềm phân, cải thiện táo bón. Các sợi xơ nhỏ trong thanh long có thể giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Thanh long còn chứa prebiotic - dưỡng chất nuôi sống các lợi khuẩn trong đường ruột (probiotic), nhờ đó trẻ cân bằng hệ vi sinh, cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm táo bón.
100 g múi bưởi đã tách vỏ có thể cung cấp 95 mg vitamin C và 0,5 g chất xơ hòa tan. Tác dụng tăng nhu động ruột, tăng lưu thông dịch tiêu hóa trong đường ruột. Bưởi còn chứa naringenin - chất chống oxy hóa giúp nhuận tràng, hỗ trợ ngăn ngừa hoặc giảm táo bón.
Bác sĩ Trà Phương khuyến cáo phụ huynh cho trẻ táo bón thường xuyên uống đủ nước. Trẻ 1-3 tuổi uống khoảng 0,5-0,6 lít nước mỗi ngày. Trẻ 3-9 tuổi uống một lít nước mỗi ngày. Trẻ 10 tuổi trở lên có thể uống lượng nước bằng người lớn 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế hoặc tránh cho trẻ đang táo bón ăn bánh kẹo ngọt, nước uống có gas, trà, cà phê... Khuyến khích trẻ đi lại, vận động, tập thể dục nhiều hơn, tránh ngồi lâu, ngồi nhiều xem màn hình tivi, máy tính.
Trẻ táo bón kèm theo các biểu hiện như co thắt và đau bụng dữ dội, kéo dài hai tuần không khỏi, quấy khóc nhiều, sụt cân nhanh... Phụ huynh nên đưa con khám tại chuyên khoa nhi hoặc tiêu hóa, tránh để lâu nguy hiểm.
Sau kỳ nghỉ lễ, ba mẹ nên đưa bé đi khám dinh dưỡng định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng dinh dưỡng. Xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC có thể phát hiện cơ thể trẻ thiếu hay thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp cải thiện hoặc ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện.
Trường Giang