Viêm họng là bệnh rất phổ biến, do cơ thể bị nhiễm virus, vi khuẩn. Đau họng có thể tự khỏi nhưng đôi khi kéo dài, trở thành mạn tính. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này.
Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường có thể gây đau họng, còn gọi là viêm họng do virus. Các triệu chứng của bệnh gồm đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi sau, ho... Hầu hết các cơn cảm lạnh đều kéo dài 3-7 ngày, có thể tự khỏi và không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, đôi khi bệnh trở thành mạn tính, gây đau, khó chịu ở cổ họng kéo dài. Rửa tay thường xuyên, vệ sinh tai mũi họng giúp hạn chế viêm họng.
Viêm họng hạt
Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn liên cầu gây ra, có thể gây bệnh ở người lớn, trẻ em. Các triệu chứng viêm họng hạt gần giống như cảm lạnh, kèm theo sốt và sưng amidan. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ khi nghi ngờ mắc bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp.
Dị ứng
Dị ứng có thể gây viêm họng; nghẹt mũi dẫn đến thở bằng miệng, khô miệng và cổ họng; chảy nước mũi sau. Chảy nước mũi sau cũng góp phần gây ho và đau họng. Dị ứng thường xuất hiện theo mùa trong vài tuần, do phản ứng của cơ thể với các chất gây dị ứng (phấn hoa, lông thú cưng, khói thuốc lá...). Các chất gây dị ứng có thể dẫn đến ngứa, chảy nước mắt và phát ban.
![Hít phải phấn hoa trong gió có thể khiến bạn bị dị ứng dẫn đến viêm họng. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/07/09/honey-bee-collecting-pollen-fr-5181-5679-1688872576.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xLx2TbsOKjfdcTP4Tw7WIw)
Hít phải phấn hoa trong gió có thể khiến bạn bị dị ứng dẫn đến viêm họng. Ảnh: Freepik
Khí hậu, không khí quá khô
Một số người có thể bị viêm họng do hít thở không khí quá khô, đến nơi có khí hậu lạnh hoặc độ ẩm trong nhà xuống quá thấp trong những tháng mùa đông. Điều này làm họng khô và đau, viêm họng kéo dài có thể trở thành mạn tính.
Trào ngược axit
Trong một số trường hợp, đau họng kéo dài có thể là kết quả của chứng trào ngược axit. Axit trào ngược từ thực quản vào vùng trên của cổ họng, không thoát được gây khó chịu, viêm và đau. Sử dụng máy tạo độ ẩm, uống trà với mật ong và chanh, súc miệng bằng nước muối... có thể giảm đau họng tạm thời. Giữ đủ nước, tránh khói thuốc lá, dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kháng histamin... là những biện pháp khắc phục lâu dài hơn.
Đau họng thường tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Nhưng nếu bệnh kèm theo sốt hoặc sưng hạch, khó nuốt, khó thở, kéo dài hơn một tuần có thể trở thành mạn tính. Khi bệnh kéo dài và có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám bác sĩ để điều trị.
Mai Cat (Theo Everyday Health)