Nám da do rối loạn chuyển hóa sắc tố da, gây ra những đốm da màu đen hoặc nâu. Nám thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như má, trán, cằm. Các vết nám này thường có màu sắc không đồng đều gây mất thẩm mỹ.
ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những nguyên nhân chính dưới đây dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa sắc tố da.
Thay đổi nội tiết: Rối loạn hormone, nhất là estrogen, làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất và được vận chuyển sang các tế bào thượng bì, làm tăng sắc tố da. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ mang thai, do cơ thể thay đổi hormone mạnh mẽ, nồng độ estrogen và progesterone tăng cao. Nám thai kỳ có thể xuất hiện trên má, trán hoặc vùng quanh miệng.
Ánh nắng mặt trời: Tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân chính gây nám da. Khi lớn tuổi, khả năng phục hồi da cũng giảm đi, da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng và hình thành nám.
Lão hóa: Quá trình lão hóa của cơ thể khiến tốc độ sản sinh collagen tự nhiên giảm, da mất đi độ đàn hồi và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân từ môi trường. Cơ thể cũng tăng sản xuất các gốc tự do làm tổn thương các tế bào da, kích thích sản sinh melanin và gây ra nám.
Di truyền: Người có thành viên trong gia đình bị nám da làm tăng nguy cơ nám da khi ngoài 30 tuổi.
Lối sống: Căng thẳng kéo dài và chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất melanin, dẫn đến tăng nguy cơ hình thành nám.

Bác sĩ điều trị nám da mặt cho người bệnh bằng công nghệ laser Pico. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Thư khuyên người bị nám da mặt nên đến khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh thuốc bôi và thuốc uống, laser Pico là giải pháp hiệu quả điều trị nám. Năng lượng ánh sáng từ laser giúp phá hủy sắc tố melanin thành các hạt nhỏ. Các hạt này sau đó được các tế bào bạch cầu của cơ thể nhận diện như chất lạ và đào thải ra ngoài, làm mờ vết nám.
Một phương pháp khác là tiêm vi điểm (mesotherapy) với các hoạt chất điều trị nám, liệu trình hai tuần một lần. Phối hợp với các phương pháp khác cho hiệu quả điều trị nám cao hơn.
Theo bác sĩ Thư, điều trị nám khó hết hẳn và dễ tái phát nên người bệnh cần kiên trì lâu dài, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ theo phác đồ cá thể hóa.
Du Nguyên
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |