Tinh dịch là một chất lỏng đặc, màu trắng, khác nhau về màu sắc và độ đặc ở mỗi nam giới. Tinh dịch loãng có thể do nhiều nguyên nhân và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng này và cách điều trị.
Số lượng tinh trùng thấp
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định số lượng tinh trùng thấp là sản xuất ít hơn 15 triệu tinh trùng trên mỗi ml tinh dịch.
Nguyên nhân gây ra số lượng tinh trùng thấp không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, một số tình trạng di truyền như hội chứng Klinefelter có thể gây ảnh hưởng. Các nguyên nhân khác bao gồm: rối loạn nội tiết tố như cường giáp và thiểu năng sinh dục; nhiễm trùng; tiếp xúc với bức xạ hoặc chất độc (hóa chất công nghiệp, thuốc diệt cỏ và chì); sử dụng ma túy; uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá; thừa cân...
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng sưng các tĩnh mạch chạy từ tinh hoàn đến bìu, phát triển ở cả một hoặc hai bên. Tình trạng này có thể không gây ra triệu chứng nhưng làm giảm sản xuất tinh trùng và giảm chất lượng tinh dịch ở một số người.
Theo Tổ chức Chăm sóc Tiết niệu Mỹ, giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến khoảng 15% nam giới và khoảng 40% nam giới được kiểm tra các vấn đề về sinh sản khi mắc phải tình trạng này.
Xuất tinh thường xuyên
Tinh dịch có thể loãng hơn bình thường nếu nam giới thủ dâm hoặc quan hệ tình dục nhiều lần một ngày và xuất tinh. Các chuyên gia cho biết cơ thể phải mất vài giờ để sản xuất một lượng tinh dịch khỏe mạnh bình thường. Do đó, nam giới cần nghỉ ngơi nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng tinh trùng trở lại bình thường sau mỗi lần xuất tinh.
Xuất tinh ngược
Trong quá trình xuất tinh, tinh dịch đi qua niệu đạo và ra khỏi dương vật. Tuy nhiên, cơ vòng bàng quang bị rối loạn chức năng có thể khiến tinh dịch di chuyển ngược vào bàng quang, dẫn đến tình trạng xuất tinh ngược. Những người bị tình trạng này có thể sản xuất ít tinh dịch hơn hoặc lỏng, loãng.
Thiếu kẽm
Kẽm là chất dinh dưỡng quan trọng hỗ trợ nhiều chức năng thiết yếu của cơ thể như tổng hợp DNA, chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương và sinh sản. Kẽm cũng đóng vai trò trong việc sản xuất tinh trùng khỏe mạnh. Theo một bài báo đánh giá năm 2018 trên Tạp chí Sinh sản và Vô sinh, thiếu kẽm góp phần làm chất lượng tinh dịch kém và vô sinh. Tuy nhiên, các tác giả cảnh báo rằng quá nhiều kẽm cũng làm giảm chất lượng tinh trùng.
Một số nguồn cung cấp kẽm qua chế độ ăn uống gồm: hàu; thịt đỏ, thịt gia cầm và động vật có vỏ; các loại hạt, hạt và ngũ cốc nguyên hạt; đậu; sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác
Tinh dịch loãng thường là tạm thời và tự hết. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra dai dẳng, đó có thể là do số lượng tinh trùng thấp hoặc một tình trạng khác, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Trong trường hợp nam giới thấy các triệu chứng như: đi tiểu khó khăn hoặc đau đớn; đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu; sốt; ớn lạnh... cần tới gặp bác sĩ.
Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu do nhiễm trùng do vi khuẩn hay sử dụng liệu pháp hormone với người bị mất cân bằng nội tiết tố. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể phải thực hiện mổ nội soi.
Tinh dịch loãng không đồng nghĩa với việc một người sẽ vô sinh hiếm muộn nhưng nếu kéo dài dai dẳng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, nam giới nên duy trì cân nặng lành mạnh, giảm căng thẳng; ngủ đủ giấc; bỏ thuốc lá; giảm uống rượu...
Gia Hân (Theo Medical News Today)