Vỏ các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất như kali, magie có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng thường bị gọt bỏ đi do lo lắng các hóa chất. Tận dụng phần vỏ củ quả sạch để chế biến các món ăn giúp tăng hương vị và nhận nhiều giá trị dinh dưỡng hơn, trong đó có tác dụng phòng ngừa ung thư.
Táo
Vỏ táo cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, nhất là vitamin C và kali, cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Vỏ quả này có hàm lượng chất xơ cao, hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng.
Chúng cũng chứa các chất chống oxy hóa và hợp chất thực vật như quercetin, catechin và axit chlorogen góp phần ngăn ngừa bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường, Alzheimer, chứng mất trí nhớ.
Cam quýt
Vỏ quả họ cam quýt (cam, chanh, bưởi) có hương thơm, chứa lượng chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa cao. So với thịt quả, vỏ của quả cam quýt chứa nhiều chất xơ hơn, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Vỏ các loại quả này rất giàu vitamin C và nhiều loại bioflavonoid khác nhau, có đặc tính chống viêm và tăng cường miễn dịch. Chất chống oxy hóa trong vỏ cam quýt có khả năng chống lại các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Vì gốc tự do là các phân tử không ổn định trong cơ thể có thể gây tổn hại tế bào, làm hỏng DNA - nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh.
Polyphenol trong vỏ và cùi chanh hoạt động như chất chống oxy hóa giúp tăng cường khả năng miễn dịch, góp phần chống lại ung thư, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cà chua
Vỏ cà chua giàu chất chống oxy hóa lycopene, cao gấp 2,5 lần so với cùi, là nguồn cung cấp khoáng chất gồm kẽm, mangan và đồng.
Theo phân tích tổng hợp năm 2018 của Đại học Illinois, Mỹ, dựa vào 30 nghiên cứu, trên hơn 284.600 người, lycopene và các sắc tố thực vật khác (carotenoid) trong cà chua chống lại sự phát triển của ung thư do đặc tính chống oxy hóa của chúng. Đàn ông ăn nhiều cà chua gồm quả sống và nước sốt có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn. Nấu chín cà chua giúp tăng lượng lycopene hấp thụ.
Lycopene còn tăng cường collagen và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, làm cho làn da mịn màng và trẻ trung hơn.
Cà rốt
Vỏ cà rốt rất giàu chất xơ, chất chống oxy hóa như beta caroten và polyacetylenes, cùng các chất dinh dưỡng thực vật có lợi khác. Beta-carotene chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể cần thiết để duy trì thị lực, làn da và khả năng miễn dịch. Chất chống oxy hóa trong vỏ cà rốt có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư và bệnh mạn tính khác.
Khoai tây
Vỏ khoai tây chứa hàm lượng vitamin C, kali, folate (vitamin B9), magie và phốt pho cao hơn so với củ đã gọt vỏ. Chúng cũng cung cấp chất xơ, tốt cho khỏe đường ruột và tạo cảm giác no, hỗ trợ giảm cân.
Theo phân tích năm 2020 của Viện Khoa học và Công nghệ Thực phẩm CAAS, Trung Quốc, dựa trên 24 nghiên cứu, vỏ khoai tây có hoạt tính kháng khuẩn và chống oxy hóa có thể chống các gốc tự do gây hại tế bào. Hợp chất phenolic trong chiết xuất vỏ khoai tây có khả năng cản trở quá trình oxy hóa chất béo và ức chế vi khuẩn, tăng cường miễn dịch. Chiết xuất vỏ khoai tây còn kích thích tổng hợp collagen loại I, làm chậm lão hóa.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |