Vitamin E tồn tại tự nhiên trong một số loại thực phẩm, bao gồm hạt, quả hạch, rau, sản phẩm tăng cường sức khỏe. Dưỡng chất với tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi tác hại của quá trình oxy hóa bằng cách trung hòa các phân tử có hại, theo Healthline.
Làm giảm các dấu hiệu của stress oxy hóa
Stress oxy hóa xảy ra do các gốc tự do và chất chống oxy hóa bị mất cân bằng. Căng thẳng oxy hóa có thể gây ra thiệt hại tế bào, lâu dần sẽ dẫn đến một số bệnh.
Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung dưỡng chất có thể làm giảm các dấu hiệu của stress oxy hóa, tăng cường khả năng chống oxy hóa.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 ở 54 người bị bệnh thận do tiểu đường - tổn thương thận do lượng đường trong máu cao cho thấy, việc bổ sung 800 IU vitamin E mỗi ngày trong 12 tuần làm tăng đáng kể mức độ glutathione peroxidase (GPx) so với giả dược. GPx là một nhóm các enzym chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.
Một nghiên cứu năm 2021 cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung kết hợp vitamin E và vitamin C hàng ngày trong 8 tuần làm giảm các dấu hiệu của stress oxy hóa ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung.
Giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim
Huyết áp cao và lượng lipid trong máu cao, tăng LDL - cholesterol có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung vitamin E cùng với chất bổ sung omega-3 có thể làm giảm mức LDL - cholesterol và chất béo trung tính ở những người mắc hội chứng chuyển hóa - một nhóm các tình trạng, bao gồm cả mức mỡ máu cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, các tình trạng sức khỏe khác.
Có lợi cho những người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
NAFLD bao gồm một số tình trạng gây tích tụ mỡ trong gan ở những người uống ít hoặc không uống rượu. Theo kết quả nghiên cứu, bổ sung vitamin E có thể cải thiện một số khía cạnh sức khỏe ở những người bị NAFLD.
Một đánh giá năm 2021 về 8 nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung vitamin E làm giảm mức độ men gan alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST), giảm mức lipid trong máu và cải thiện sức khỏe gan ở những người bị NAFLD. Mức độ AST và ALT tăng cao có thể cho thấy tình trạng viêm, tổn thương gan ở những người bị NAFLD. Vì vậy mức độ thấp hơn là điều kiện thuận lợi.
Kiểm soát chứng đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một tình trạng đặc trưng bởi những cơn đau dữ dội, thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt. Trong một nghiên cứu năm 2018 trên 100 phụ nữ bị đau bụng kinh, uống 200 IU vitamin E mỗi ngày giúp giảm đau bụng kinh nhiều hơn dùng giả dược. Hiệu quả thậm chí còn tốt hơn khi vitamin kết hợp với chất bổ sung omega-3. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, bổ sung kết hợp vitamin E và vitamin C hàng ngày trong 8 tuần giúp giảm mức độ nghiêm trọng của đau vùng chậu, đau bụng kinh ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung.
Có lợi cho sức khỏe làn da
Bổ sung vitamin E có thể hữu ích cho những người mắc một số chứng rối loạn về da, chẳng hạn như bệnh chàm. Tuy nhiên, nghiên cứu về công dụng với da còn hạn chế. Ngoài ra, duy trì mức vitamin E tối ưu có thể giúp bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức.
Mặc dù tình trạng thiếu hụt vitamin E thường hiếm gặp, nhưng tình trạng vẫn phổ biến ở một số nhóm nhất định. Ví dụ, những người mắc các bệnh lý liên quan đến kém hấp thu chất béo, bao gồm cả bệnh xơ nang và bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính). Ngoài ra, những người mắc một số bệnh di truyền chẳng hạn như abetalipoproteinemia, có nhiều khả năng bị thiếu hụt viatmin E. Người có chế độ ăn uống không đủ chất, những người mắc chứng biếng ăn cũng có thể bị thiếu vitamin E do suy dinh dưỡng.
Lê Nguyễn