Viêm góp phần dọn sạch các tế bào chết, mô bị tổn thương, chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng viêm kéo dài làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, tim mạch, viêm khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, dị ứng... Một số yếu tố về môi trường, chế độ ăn uống có thể gây viêm. Bổ sung 5 chất dinh dưỡng dưới đây trong chế độ ăn uống có thể giảm tình trạng này, góp phần bảo vệ sức khỏe.
Polyphenol
Polyphenol là hợp chất thực vật giúp bảo vệ cơ thể. Chúng là chất chống viêm mạnh có tác dụng ức chế các enzyme trong cơ thể sản xuất ra các gốc tự do, gây stress oxy hóa. Các gốc tự do này có thể làm tổn thương cho tế bào, tăng nguy cơ bệnh tật.
Bên cạnh tình trạng giảm viêm toàn thân, polyphenol cải thiện huyết áp, mức cholesterol, kháng insulin. Polyphenol có trong tất cả thực phẩm thực vật, như trái cây, rau, thảo mộc và gia vị. Bạn nên ưu tiên dùng rau lá xanh đậm, quả mọng, ô liu, dầu ô liu nguyên chất, chocolate đen.
Axit béo omega-3
Omega-3 giúp giảm viêm, từ đó phòng ngừa các bệnh phổ biến gây ra do quá trình viêm. Có ba loại axit béo omega-3 là ALA, DHA và EPA. ALA có trong quả óc chó, đậu nành và một số loại hạt (chia, lanh và gai dầu). EPA và DHA có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu.
Ngoài chức năng chống viêm, axit béo này còn hỗ trợ chức năng não bộ, trí nhớ, khả năng nhận thức, tập trung lẫn kiểm soát hành vi, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch.
Vitamin D
Vitamin D có vai trò quan trọng với chức năng miễn dịch và tình trạng viêm. Thiếu hụt vitamin D có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh truyền nhiễm, tình trạng viêm tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh đa xơ cứng.
Tắm nắng tầm 30 phút mỗi ngày vào sáng sớm hoặc cuối giờ chiều để hấp thụ vitamin D, tránh các giờ có nắng gắt khoảng 10-15h. Vitamin D còn có trong cá béo, lòng đỏ trứng, sữa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị kiểm tra mức vitamin D ít nhất một lần mỗi năm, bổ sung nếu thiếu. Tham khảo ý kiến bác sĩ để nạp đủ vitamin này theo liều lượng chuẩn, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Magiê
Magiê rất cần thiết cho hơn 600 phản ứng enzym trong cơ thể, nếu thiếu có thể gây viêm. Để cơ thể đủ dưỡng chất này, hãy ăn nhiều loại rau lá xanh, hạt, đậu, hạt giống, ngũ cốc nguyên hạt.
Chất xơ
Chất xơ không chỉ nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột mà còn giúp giảm viêm. Chất xơ trong yến mạch, lúa mạch, ngũ cốc có tác dụng chống viêm rất tốt. Các loại thực phẩm giàu chất xơ khác như trái cây, rau củ. Thực phẩm giàu chất xơ cũng thường chứa các chất dinh dưỡng chống viêm như polyphenol, magiê.
Lê Nguyễn (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |