Hơi thở có mùi là vấn đề răng miệng phổ biến, làm giảm sự tự tin và cản trở giao tiếp. Dưới đây là các cách tự nhiên cải thiện tình trạng này.
Uống đủ nước
Nước bọt giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và tế bào chết gây hôi miệng. Khô miệng do dùng thuốc, uống ít nước hoặc các vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến tích tụ vi khuẩn gây mùi hơi thở. Uống nhiều nước trong ngày (khoảng 8 cốc) kích thích sản xuất nước bọt, hỗ trợ làm sạch miệng tự nhiên, loại bỏ vi khuẩn.
Đánh răng, dùng chỉ nha khoa thường xuyên
Đánh răng hai lần một ngày trong tối thiểu hai phút để làm sạch các bề mặt, bao gồm cả lưỡi. Dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn có tác dụng loại bỏ các mảnh thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng. Điều này hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn và giữ khoang miệng ít có mầm bệnh.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng. Trong đó, ưu tiên thực phẩm bổ dưỡng với nhiều vitamin và khoáng chất giúp tránh hôi miệng. Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau củ cũng có thể kích thích sản xuất nước bọt, rửa trôi vi khuẩn cùng thức ăn dư thừa. Giảm tiêu thụ tỏi, hành và các thực phẩm cay khác vì chúng là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi nồng.
![Cam giàu vitamin C giúp tăng tiết nước bọt, loại bỏ hơi thở nặng mùi. Ảnh: Bảo Bảo](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/02/cam1-3008-1714644423.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_Bj8R816bl1VXCjtdqTTRA)
Cam giàu vitamin C giúp tăng tiết nước bọt, loại bỏ hơi thở nặng mùi. Ảnh: Bảo Bảo
Sử dụng kem đánh răng dược liệu
SLS là chất tạo bọt trong kem đánh răng thông thường dễ gây khô miệng, khiến hơi thở có mùi. Một số loại kem đánh răng dược liệu với thành phần tự nhiên có thể tăng cường sản xuất nước bọt, làm sạch hơi thở và cải thiện sức khỏe răng miệng tổng thể. Tinh dầu có trong kem đánh răng tự nhiên hỗ trợ ngăn ngừa hơi thở mùi khó chịu với hương vị the mát.
Khám nha khoa định kỳ
Các vấn đề sức khỏe răng miệng như bệnh nướu răng hoặc sâu răng thường gây mùi hơi thở. Làm sạch răng miệng khi khám nha khoa góp phần loại bỏ mảng bám và vi khuẩn khỏi răng và nướu.
Hôi miệng vào buổi sáng hoặc do ăn thức ăn có mùi nồng, vệ sinh răng miệng kém là điều bình thường nhưng mùi hôi mạn tính cảnh báo vấn đề sức khỏe. Chúng có thể bắt nguồn từ các bệnh lý bao gồm nhiễm trùng xoang, trào ngược axit và tiểu đường. Trong các trường hợp này, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để điều trị nguyên nhân, nhờ đó giảm mùi hơi thở.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |