Dậy thì là giai đoạn "vàng" cuối cùng trong quá trình phát triển chiều cao của mỗi đứa trẻ. Độ tuổi dậy thì ở mỗi trẻ có thể không giống nhau. Ở bé gái giai đoạn này thường xuất hiện từ 8-13 tuổi, bé trai là từ 9-14 tuổi.
Tốc độ tăng chiều cao của trẻ trong giai đoạn dậy thì khá ấn tượng. Bé gái có thể tăng đạt đỉnh 10-12 cm mỗi năm và bé trai tăng đạt đỉnh 12-15 cm mỗi năm, nhất là vào năm dậy thì. Qua giai đoạn này, chiều cao của trẻ tăng chậm lại, chỉ khoảng 2-3 cm một năm và dừng hẳn ở tuổi trưởng thành.
Như vậy, theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, mặc dù sau tuổi dậy thì trẻ có thể tăng chiều cao với tốc độ thấp trong vài năm nhưng tối ưu được hiệu quả tăng chiều cao đó cũng rất quan trọng. Theo đó, bác sĩ Loan đưa ra một số gợi ý để phụ huynh tham khảo, nhằm giúp trẻ có thể tăng chiều cao.
Tiếp tục duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng: Một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ nhóm chất đạm, bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong đó, trẻ cần tiếp tục hấp thu đủ canxi, vitamin D, kẽm, sắt, đạm... Các loại thực phẩm như trái cây tươi, rau, cá, ngũ cốc nguyên hạt, sữa trong chế độ ăn uống có thể giúp xương chắc khỏe, tối đa hóa khả năng phát triển.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là tăng chiều cao. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường cơ, xương và duy trì cân nặng hợp lý. Tất cả các bài tập tăng cường sức mạnh, sức bền, sức nhanh, yoga, nhảy dây, bơi lội và đi xe đạp đều có thể giúp bé tăng tính linh hoạt và cao thêm.
Giữ tư thế tốt: Vai gù, cổ chữ C và xương sống cong có thể khiến trẻ trông thấp hơn vài centimet so với chiều cao thực. Nếu trẻ không sửa lại tư thế, những đường cong này có thể thay đổi để phù hợp với tư thế mới. Nó cũng sẽ gây đau cổ và lưng. Khi trẻ phải ngồi học lâu, hãy kê một chiếc gối sau lưng để sửa tư thế. Trẻ cũng có thể tập các bài tập để cải thiện tư thế của mình, nhờ sự tư vấn từ chuyên gia.
Nghỉ ngơi hợp lý vào ban đêm: Ngủ ít, ngủ không đủ giấc, không sâu giấc... có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển chiều cao của trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone tăng trưởng (HGH). Việc sản xuất hormone này giảm xuống khi trẻ không ngủ đủ giấc. Trẻ vị thành niên thường có nhiều mối bận tâm khác do đó có thể lơ là giấc ngủ. Phụ huynh cần trao đổi, thống nhất lịch trình ngủ của trẻ đều đặn mỗi ngày.
Thực phẩm bổ sung: Đối với những trẻ không hấp thu đầy đủ dinh dưỡng qua ăn uống, trong nhiều trường hợp, phụ huynh có thể cho trẻ dùng các sản phẩm bổ sung. Các chất bổ sung như Vitamin D, canxi, kẽm, sắt... có thể có lợi cho những trẻ đang cố gắng tăng chiều cao. Tuy vậy, khi dùng bất cứ sản phẩm nào cho trẻ bạn cũng nên tư vấn chuyên gia, dùng theo chỉ định.
Bác sĩ Hồng Loan cho biết thêm, mỗi trẻ đều có 3 giai đoạn"vàng" phát triển chiều cao: khi còn là bào thai, giai đoạn 0-2 tuổi, giai đoạn dậy thì. Phụ huynh nên quan tâm tăng chiều cao cho con từ nhỏ đến lớn, đưa bé đi khám dinh dưỡng, đặc biệt trong 3 giai đoạn "vàng". Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, luyện tập khoa học và ngủ đủ giấc sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng thêm chiều cao cho trẻ qua năm tháng.
Bảo Anh