Viêm nhiễm phụ khoa là vấn đề thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, nhiều người không có thói quen kiểm tra định kỳ 6 tháng mỗi lần nên rất khó phát hiện bệnh kịp thời. Dưới đây là 5 căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ vô sinh mà các chị em cần biết.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến nữ giới khó có cơ hội làm mẹ. Tình trạng này là do lớp niêm mạc tử cung phát triển ở bên trong hoặc bên ngoài tử cung. Các nhà nghiên cứu cho biết bệnh lý này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của noãn hoặc tinh trùng khiến chúng khó di chuyển hơn. Lạc nội mạc ở tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào có kinh nguyệt, song phổ biến hơn ở đối tượng trong độ tuổi 30 – 40.
Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là các cơn đau vùng chậu mạn tính, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, cảm giác đau cũng xảy ra khi chị em quan hệ tình dục.
Buồng trứng đa nang
Ngoài khả năng sản sinh ra tế bào trứng, buồng trứng còn có chức năng sản sinh estrogen và progesterone để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng liên quan đến sự mất cân bằng hormone trong cơ thể phụ nữ và dẫn đến nguy cơ vô sinh. Theo PCOS Foundation, 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể mắc hội chứng PCOS nhưng phần lớn đều chưa được chẩn đoán.
Các dấu hiệu thuộc hội chứng buồng trứng đa nang có thể nhận biết sớm gồm: chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc không ổn định, tăng cân, thường hay khó chịu ở vùng bụng, nổi mụn trứng cá, mọc nhiều lông và ngưng thở khi ngủ,...
Mất cân bằng nội tiết tố
Theo Mayo Clinic, tình trạng mất cân bằng nội tiết tố có thể tác động hoặc làm gián đoạn quá trình rụng trứng. Bệnh lý này không chỉ gây ra hàng loạt các vấn đề về da và sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ, về lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.
Nguyên nhân điển hình của rối loạn nội tiết tố là kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm nhận một số thay đổi của cơ thể như nổi mụn, nám da, giảm ham muốn tình dục hoặc mất ngủ thường xuyên và đau đầu.
Suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm hay còn gọi là hiện tượng mãn kinh sớm ở phụ nữ. Buồng trứng lúc này sẽ ngừng hoạt động và làm giảm sản xuất estrogen ở phụ nữ dưới 40 tuổi, từ đó gây ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ. Ngoài ra, do nồng độ hormone giảm nên người bệnh cũng có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh như loãng xương, suy tuyến giáp, bệnh tim, stress.
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục, đổ mồ hôi đêm, dễ bị kích động và bị đau khi quan hệ,...
Viêm âm đạo
Âm đạo thường tồn tại 2 vi khuẩn lactobacillus và vi khuẩn kỵ khí. Tuy nhiên, khi sự cân bằng đó bị phá vỡ, các vi khuẩn kỵ khí có thể tăng số lượng và gây ra viêm âm đạo. Bệnh lý này phổ biến ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Dù viêm âm đạo có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc nhưng nếu bệnh kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây vô sinh. Với phụ nữ có thai, viêm âm đạo còn ảnh hưởng đến thai kỳ như động thai, sảy thai, sanh non.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic, Mayo Clinic, Healthline)