Khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống, mức huyết áp của những người có tiền sử tăng huyết áp có thể tăng đột biến. Tình trạng này làm tăng nguy cơ đau tim, các vấn đề về tim.
Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng do những thay đổi đột ngột của thời tiết như độ ẩm, áp suất khí quyển, lượng mây che phủ hoặc gió. Sự thay đổi về huyết áp liên quan đến thời tiết phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, tăng cân, thiếu hoạt động thể chất cũng có thể góp phần làm tăng huyết áp.
Tránh uống rượu, bia
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp. Đồ uống có cồn chứa nhiều đường, calo, có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Mỗi người chỉ nên uống 2 ly cà phê và một ly rượu mỗi ngày.
Bia, rượu có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc hạ huyết áp, kéo theo nguy cơ khác như xơ gan, tổn thương hệ thần kinh nếu sử dụng nhiều.
Mặc nhiều lớp
Thay vì mặc một chiếc áo khoác dày mỗi người hãy thử mặc nhiều lớp, giúp giữ nhiệt, cơ thể cảm thấy ấm áp hơn. Khi trời lạnh, cơ thể thường có những phản xạ co mạch máu nhằm giữ nhiệt, tránh mất nước. Hiện tượng này làm huyết áp tăng đột ngột, dễ hình thành cục máu đông gây ra nhồi máu não, ảnh hưởng đến hoạt động tim mạch. Ngoài ra, mỗi người hãy cố gắng giữ làn da ít bị tổn thương trong những ngày lạnh, ngăn ngừa khô da.
Ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức huyết áp. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, đậu (đậu nành, đậu đen, đậu xanh), hạt kê, hạt diêm mạch... chứa nhiều kali hỗ trợ giảm huyết áp, bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch. Vitamin C có ích trong phòng trị cao huyết áp, giúp giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi mạch máu.
Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì uống sữa tươi mỗi ngày để có đầy đủ canxi cần thiết. Natri có trong muối ăn làm cơ thể tiết ra nhiều dịch tế bào, khiến tim đập nhanh hơn và kéo theo tăng huyết áp. Vì vậy, mỗi người nên hạn chế đồ ăn mặn.
Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ ngăn ngừa nhiều axit béo không bão hòa, phòng ngừa xơ cứng động mạnh, tốt cho huyết áp. Dầu ngô, dầu đậu tương, dầu ô liu, một số loại trái cây như bơ, xoài, cà chua giàu viatmin E.
Tập thể dục ở cường độ vừa phải
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách nhanh, lành mạnh nhất để giảm huyết áp. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập tạ nặng khi huyết áp không được kiểm soát tốt. Đi bộ nhanh tốt cho huyết áp, nâng cao nhịp thở, thúc đẩy sức khỏe tim mạch, bảo vệ khớp, bàn chân. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, mỗi người nên duy trì 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hàng tuần.
Bài tập yoga bao gồm kỹ thuật kiểm soát hơi thở, thiền định có hiệu quả trong việc giảm căng thẳng. Theo các chuyên gia, thiền, thở, bài tập yoga góp phần làm giảm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương ở những bệnh nhân mắc chứng tăng huyết áp.
Nếu bạn đang bị tăng huyết áp thì hạn chế hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp. Nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể làm tăng mức huyết áp.
Lê Nguyễn (Theo Times of India)