Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư bằng tia X, proton hoặc hạt năng lượng cao khác. Tùy vào liều tia phóng xạ và vùng cơ thể xạ trị, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ khác nhau. Ví dụ, xạ trị ở vùng đầu, cổ thường gây chán ăn, buồn nôn và nôn, khô miệng, đau miệng, nuốt khó, nuốt đau. Xạ trị vùng bụng, chậu hoặc trực tràng dễ gây buồn nôn và nôn, viêm ruột, tiêu chảy.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết sau quá trình xạ trị, sức khỏe người bệnh thường suy giảm, khả năng ăn uống, tiêu hóa kém, dẫn đến suy dinh dưỡng. Người bệnh dễ đồng mắc các bệnh nhiễm khuẩn hoặc tăng nặng bệnh nền kèm theo.
Người bệnh sau xạ trị ung thư cần chăm sóc dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Các dưỡng chất như protein, chất xơ, omega-3, vitamin và khoáng chất, có tác dụng tích cực đến quá trình hồi phục sức khỏe.
Thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu, góp phần duy trì khối cơ, sửa chữa mô bị tổn thương, sản xuất các tế bào mới, cải thiện hệ thống miễn dịch. Nhu cầu chất đạm của người bệnh sau xạ trị thường cao hơn người khỏe mạnh. Nguyên nhân là do quá trình tăng chuyển hóa protein và "kháng đồng hóa", gây ra bởi tình trạng viêm toàn thân, giảm hoạt động thể chất và lão hóa.
Thực phẩm chứa omega-3 như các loại cá béo, dầu ô liu, bơ và các loại hạt, có thể chống lại tình trạng viêm, góp phần sửa chữa và thay thế các mô bị tổn thương. Tình trạng thúc đẩy cải thiện sức khỏe tim mạch và tinh thần, giảm tác dụng phụ do xạ trị gây ra.
Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, kiều mạch, giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón, đầy hơi. Thực phẩm này còn cung cấp nguồn carbohydrate phức tạp, nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp người bệnh sau xạ trị cải thiện hệ thống miễn dịch, sức khỏe tổng thể.
Rau củ quả tươi như bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, trái cây có múi, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, cùng hợp chất chống oxy hóa, chống viêm như phytochemical, carotenoid, beta caroten. Các dưỡng chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Rau củ quả tươi còn chứa một lượng đáng kể carbohydrate phức tạp và chất xơ cải thiện chức năng tiêu hóa, tình trạng hấp thu kém sau xạ trị.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết người bệnh sau xạ trị cần tránh sử dụng rượu bia, hút thuốc lá hoặc chất kích thích khác. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều đường hoặc chất béo bão hòa. Chế độ ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no một lúc. Nên ưu tiên thực phẩm mềm, lỏng, dễ ăn, dễ tiêu hóa.
Người bệnh sau xạ trị nên tuân thủ tái khám, kết hợp khám dinh dưỡng, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết được cơ thể đang thiếu hoặc thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, nhanh phục hồi.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |