Rụng khoảng 50-100 sợi tóc mỗi ngày do chải đầu, gội đầu và tạo kiểu là bình thường. Nếu tóc rụng nhiều hơn được gọi là rụng tóc telogen. Theo Hiệp hội Viện Hàn lâm Da liễu Mỹ, người bị rụng tóc telogen có thể rụng 300-500 sợi tóc mỗi ngày.
Rụng tóc telogen xảy ra khi một lượng lớn nang tóc vào giai đoạn nghỉ ngơi (ngừng hoạt động). Lúc này, có tới 70% tóc trên da đầu có thể rụng, thường là rụng từng nắm. Đây là tình trạng phổ biến, thường gặp ở phụ nữ và xảy ra sau 2-3 tháng kể từ khi có yếu tố kích hoạt. Tình trạng này thường không kéo dài quá 6 tháng, nhưng nếu có được coi là mạn tính. Rụng tóc telogen thường không dẫn đến hói đầu nhưng có thể khiến tóc trông mỏng, nhất là xung quanh thái dương và đỉnh đầu. Căng thẳng về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc, cùng với một số loại thuốc nhất định, có thể gây ra tình trạng này.
Tình trạng bệnh lý
Các tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến rụng tóc bao gồm mất cân bằng tuyến giáp, ốm (nhất là sốt cao), nhiễm Covid-19, các tình trạng viêm ảnh hưởng đến da đầu (như bệnh chàm hoặc bệnh vảy nến), thiếu vitamin hoặc khoáng chất (nhất là thiếu sắt ở phụ nữ), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), nhiễm HIV.
Rụng tóc do bệnh như Covid-19 thường cải thiện 3-6 tháng sau khi hồi phục. Tuy nhiên, trường hợp mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến da đầu, rụng tóc có khả năng tiếp tục nếu không điều trị nguyên nhân căn bản.
Biến động thể chất
Những thay đổi về thể chất gây căng thẳng cho cơ thể, có thể dẫn đến rụng tóc quá nhiều, nhất là làm thay đổi về hormone. Tình trạng này thường xảy ra vài tháng sau khi tác nhân gây căng thẳng kích hoạt và dừng lại khi nồng độ hormone trong cơ thể được điều chỉnh lại. Những thay đổi mạnh mẽ trong cơ thể có thể khiến tóc rụng bao gồm sinh con, giảm nhiều cân, ngừng hoặc bắt đầu dùng thuốc tránh thai, thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Rụng tóc sau khi sinh con là rất phổ biến do những thay đổi về hormone mà phụ nữ phải trải qua. Tình trạng này thường bắt đầu hai tháng sau khi sinh, đạt đỉnh 4 tháng sau đó và dừng lại khi hormone trở về cân bằng. Sau khoảng 6-9 tháng, mái tóc trở lại trạng thái đầy đặn bình thường, theo Hiệp hội Học viện Da liễu Mỹ.
Biến động tâm lý
Những sự kiện gây căng thẳng lớn có thể khiến tóc rụng nhiều, thường là sau vài tháng. Ví dụ vừa ly hôn, mất việc, phẫu thuật hoặc bị chấn thương nghiêm trọng. Rụng tóc tạm thời có thể kéo dài nếu người bệnh tiếp tục bị căng thẳng.
Thuốc
Rụng tóc nhiều bất thường cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị mụn trứng cá, thuốc làm loãng máu, thuốc tránh thai, thuốc chẹn beta, thuốc trị trầm cảm, thuốc chống động kinh...
Rụng tóc nhiều do dùng thuốc thường chỉ tạm thời. Tóc có thể ngừng rụng khi ngừng dùng thuốc. Song người bệnh không được tự ý ngừng bất kỳ loại thuốc nào. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi liều lượng hoặc tìm loại thuốc thay thế.
Để điều trị tóc rụng nhiều bất thường, người bệnh nên đi khám bác sĩ da liễu để chẩn đoán tình trạng, tìm nguyên nhân chính xác. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác. Hầu hết trường hợp không cần điều trị và tóc trở lại chu kỳ phát triển bình thường.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |