Vết bầm trên da thường xuất hiện sau khi ngã, va chạm hoặc chấn thương ngoài da. Lúc này, máu bị rò rỉ ra ngoài và tụ lại ở vị trí va chạm, tạo nên vết bầm tím. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hải, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vết bầm xuất hiện không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư.
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là dạng ung thư máu phổ biến nhất. Khi mắc bệnh, các tế bào bạch cầu không thể thực hiện chức năng miễn dịch bình thường, có thể lấn át tủy xương, làm giảm sản xuất tiểu cầu, từ đó giảm chức năng đông máu. Cơ thể người bệnh xuất hiện các vết bầm tím ở nhiều vị trí dù không có va chạm mạnh. Người bệnh còn dễ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, da xanh xao, mệt mỏi kéo dài hoặc sốt không rõ nguyên nhân. Xét nghiệm công thức máu và sinh thiết tủy xương có thể giúp phát hiện bệnh.
Ung thư gan
Gan sản xuất một số protein giúp đông máu và ngăn mạch máu bị thương. Khi mắc ung thư gan, chức năng này suy giảm dẫn đến rối loạn đông máu. Người bệnh ung thư gan thường có các vết bầm tím không rõ nguyên nhân, kèm theo vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải, chán ăn, sụt cân nhanh.
U lympho
U lympho là loại ung thư phát triển từ tế bào lympho, một loại bạch cầu quan trọng trong hệ miễn dịch. Tế bào lympho ác tính có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết, lá lách hoặc các cơ quan khác, làm gián đoạn hệ miễn dịch, gây ra các triệu chứng bất thường, trong đó có dễ bầm tím hoặc chảy máu. Người bệnh có thể sốt kéo dài, đổ mồ hôi đêm và sụt cân không rõ nguyên nhân. Bệnh được chẩn đoán dựa trên sinh thiết hạch bạch huyết, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ Ngọc Hải tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Đa u tủy
Đa u tủy xảy ra khi tế bào huyết tương chuyển thành ác tính, nhân lên không kiểm soát và tạo ra các protein bất thường, làm tổn thương xương, thận, hệ miễn dịch. Triệu chứng của bệnh gồm bầm tím hoặc chảy máu dễ dàng do giảm tiểu cầu, đau xương vùng cột sống hoặc xương sườn, gãy xương không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, yếu cơ do thiếu máu, suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm trùng. Bác sĩ chẩn đoán đa u tủy thường dựa trên xét nghiệm máu, nước tiểu, sinh thiết tủy xương và chẩn đoán hình ảnh (X-quang, MRI).
Theo bác sĩ Hải, không phải mọi vết bầm tím đều liên quan đến ung thư, nhưng nếu vết bầm xuất hiện không rõ nguyên nhân và kéo dài hơn hai tuần, hãy đi khám để được kiểm tra, làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Một số bệnh nhân ung thư được hóa trị hoặc xạ trị vào các xương tạo máu chính như xương chậu và cột sống cũng có khả năng bị giảm tiểu cầu, gây ra các vết bầm tím. Trường hợp này bác sĩ chỉ định truyền tiểu cầu cho người bệnh để giảm vết bầm.
Bác sĩ khuyên mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế rượu bia, không hút thuốc, thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe, phòng ung thư. Người có tiền sử gia đình mắc ung thư nên tầm soát ung thư định kỳ, khám sức khỏe để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị hiệu quả.
Hoài Phạm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |