Táo bón là đi tiêu không thường xuyên hoặc phân khô, cứng, gây đau hậu môn. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Đỗ Uyên - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, nếu trẻ đi tiêu ít hơn 2 lần mỗi tuần thì có thể bé đang bị táo bón, có thể có hoặc không kèm theo đau.
Khi trẻ bị táo bón kéo dài hơn 2 tuần hoặc kèm theo sốt, nôn mửa, sưng bụng hoặc có máu trong phân, cha mẹ cần đưa bé đi khám, điều trị kịp thời. Tình trạng kéo dài gây khó điều trị và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bé.
Trong nhiều trường hợp, táo bón xảy ra do trẻ sợ đi cầu do bị đau từ lần trước đó. Việc trì hoãn đi tiêu nhiều lần khiến phân trở nên cứng, khó đi ngoài. Tình trạng có thể do các nguyên nhân khác như trẻ ăn ít trái cây và rau quả, ít di chuyển, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn ít chất xơ; uống không đủ nước (lượng nước đầy đủ giúp di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa).
Theo đó, bác sĩ Đỗ Uyên gợi ý 4 cách có thể giúp làm dịu hay cải thiện chứng táo bón cho trẻ.
Bổ sung thêm nước buổi sáng: Nước giúp hydrat hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc làm mềm phân. Khi trẻ không được cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ bị mất nước, lấy nước từ ruột và đẩy nó đến các vị trí quan trọng khác trong cơ thể, ví dụ như tim. Đây có thể là nguyên nhân bắt đầu chu kỳ làm cho phân khó ra ngoài hơn.
Ba mẹ nên cho trẻ uống nước ấm hoặc ngũ cốc nguyên hạt ấm vào buổi sáng. Điều đó có thể kích thích trẻ đi vệ sinh hơn.
Ăn đủ 5 phần chất xơ: Bổ sung chất xơ tạo khối lượng cho phân, giúp phân xốp mềm, đường tiêu hóa di chuyển phân dễ dàng. Chất xơ có từ thực phẩm, chất bổ sung (ưu tiên chất xơ từ thực phẩm). Nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây... có hàm lượng chất xơ cao.
Nếu bé đang ăn ít nhất 5 phần trái cây, rau mỗi ngày cùng với các loại thực phẩm khác có thể tạm đủ chất xơ. Đó là cách tạm tính đơn giản. Nếu chi tiết hơn, ba mẹ có thể lấy số tuổi của con rồi cộng thêm 5 là ra lượng chất xơ quy định mà trẻ cần ăn mỗi ngày. Ví dụ, một đứa trẻ 5 tuổi sẽ cần khoảng 10 g chất xơ mỗi ngày.
Khuyến khích trẻ vận động: Trẻ nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục có lợi cho sức khỏe tổng thể, có thể cải thiện tiêu hóa, giúp trẻ tăng nhu động ruột, hấp thu dinh dưỡng, tiêu hóa tốt hơn. Vận động còn giúp bé nhanh đói, ăn ngon hơn.
Dùng thuốc nhuận tràng: Có nhiều loại thuốc nhuận tràng có sẵn để điều trị trẻ bị táo bón: thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích, nhuận tràng tiết dịch, các liệu pháp trực tràng (thuốc đạn đặt hậu môn...). Các thuốc này phụ huynh không nên tùy tiện cho con dùng, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám, chủ động hỏi ý kiến bác sĩ. Ví dụ, thuốc làm mềm phân giúp đưa nước vào phân nhiều hơn, để phân mềm, dễ tống ra ngoài, thuốc nhuận tràng thẩm thấu thì giúp thu hút nhiều nước đến ruột kết để làm dịu, ngậm nước, làm mềm phân.
Thuốc nhuận tràng kích thích hoạt động bằng cách kích thích các cơ của ruột kết, cơ quan giữ phân, linh hoạt, đẩy phân ra khỏi cơ thể. Các liệu pháp điều trị trực tràng khác bao gồm thuốc đạn (đưa thuốc trực tiếp vào trực tràng), thụt tháo (đưa thuốc vào đại tràng nhiều hơn để cung cấp thêm nước, bôi trơn hoặc kích thích để tống phân ra ngoài).
Bác sĩ Đỗ Uyên cho biết thêm, để làm dịu chứng táo bón cho trẻ, quan trọng nhất vẫn là thay đổi chế độ ăn, những biện pháp can thiệp còn lại sẽ hỗ trợ thêm. Nếu những phương pháp trên không hiệu quả, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ cùng lên kế hoạch can thiệp hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Bình An