Bệnh nhân Võ Viết Quân (78 tuổi, ngụ Bình Dương) có tiền sử bệnh tim mạch, đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do gần đây, cơn đau thắt ngực xuất hiện thường xuyên, mệt nhiều dù chỉ gắng sức nhẹ. Qua siêu âm, bác sĩ cho biết tim bệnh nhân co bóp kém, chức năng bơm máu của tim giảm chỉ còn 39%. Bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiền sử hẹp động mạch vành phải trên 50%, rung nhĩ, kèm theo bệnh bướu bàng quang tái phát.
BS.CKI Dương Thị Nguyệt Anh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh nhân cần được chụp mạch vành để đánh giá nguyên nhân suy tim.
Tuy nhiên, người bệnh lại bị dị ứng nặng với thuốc cản quang. Cách đây 14 năm, khi được tiêm thuốc cản quang để chụp MSCT mạch vành, ông đã từng sốc phản vệ, hạ huyết áp, mắt môi sưng phù, ngất xỉu tại chỗ. Vì vậy, từ đó cho đến nay, bệnh nhân không thể chụp mạch vành nên chỉ có thể điều trị đau ngực bằng thuốc, không thể can thiệp triệt để.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong trường hợp này, bác sĩ tiến hành dùng thuốc điều trị giải mẫn cảm kết hợp kỹ thuật chụp mạch vành Cardiac Swing với lượng thuốc cản quang tối thiểu (chỉ bằng 1/4 lượng thuốc sử dụng ở kỹ thuật thông thường), thời gian chụp ngắn, hạn chế sốc phản vệ, an toàn cho bệnh nhân.
ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích thêm với kỹ thuật chụp mạch vành thông thường, bác sĩ phải chụp từ 6-8 góc, tương đương với 6-8 lần bơm thuốc cản quang, tổng lượng thuốc đưa vào cơ thể người bệnh có thể lên đến 20-30 ml. Với kỹ thuật Cardiac Swing, nhờ hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền với cánh tay robot xoay 360 độ quanh bệnh nhân, toàn bộ cấu trúc giải phẫu mạch máu tim được ghi lại chỉ với 2 lần chụp; tổng lượng thuốc sử dụng chưa đến 10 ml.

ThS.BS Võ Anh Minh và êkip bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh TP HCM chụp mạch vành cho bệnh nhân bằng kỹ thuật Cardiac Swing. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật bướu bàng quang, sử dụng thuốc để kiểm soát rung nhĩ, giữ nhịp tim ổn định.
Sốc phản vệ được xem là phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất hiện nay, có khả năng gây tử vong. Trong hơn 90% trường hợp, sự giải phóng trực tiếp của chất histamin, các chất trung gian khác là nguyên nhân gây ra triệu chứng phản vệ sau khi sử dụng thuốc cản quang. Điều này giải thích vì sao những bệnh nhân chưa bao giờ tiếp xúc với chất cản quang có thể bị sốc phản vệ trong lần tiếp xúc đầu tiên.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh, người từng bị dị ứng thuốc cản quang, suy tim, suy thận, cần trao đổi với bác sĩ tiền sử bệnh để được áp dụng kỹ thuật chụp mạch vành với lượng thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Gia Hưng