"Tết này là Tết trọn vẹn nhất của vợ chồng tôi sau 12 năm mong con", anh Phạm Minh Thiện chia sẻ khi ngắm vợ là Hồ Thị Hồng Linh chăm con gái gần một tháng tuổi. Bé là "quả ngọt" sau hành trình dài điều trị ung thư lẫn vô sinh của đôi vợ chồng. Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), vợ chồng chị Linh - anh Thiện là một trong những trường hợp vô sinh đặc biệt khó mà hệ thống IVF Tâm Anh từng tiếp nhận và thành công giúp họ có con.
Một năm sau kết hôn (2012), anh Thiện được chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết, sang Singapore điều trị. Để không ảnh hưởng khả năng sinh sản, anh trữ đông một mẫu tinh trùng trước khi bắt đầu liệu trình hóa trị 6 lần trong 4 tháng, toàn bộ chi phí hơn 2 tỷ đồng. Song 4 năm sau, khi điều trị ổn định ung thư, anh không thể thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam như nguyện vọng do thủ tục chuyển mẫu tinh trùng trữ đông từ Singapore quá phức tạp.
Trở về nước, họ điều trị 3 chu kỳ IVF ở hai bệnh viện lớn khác nhưng số lượng phôi nuôi cấy được ngày càng ít ỏi, phôi phát triển bất thường. Chị Linh được chuyển phôi thêm 6 lần, trong đó hai lần thai sinh hóa và một lần thai lưu.
Tiếp nhận trường hợp này vào năm 2021, ThS.BS Giang Huỳnh Như đánh giá vợ chồng anh Thiện rất khó có con bởi hội tụ các yếu tố thách thức: tinh trùng ít, nội mạc tử cung mỏng, tiền căn sảy thai và thất bại chuyển phôi nhiều lần, nhiều phôi phát triển bất thường. Cách duy nhất để họ có con là gom tinh trùng, nuôi cấy phôi chất lượng tốt nhất có thể và chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện giúp phôi làm tổ thuận lợi.
Anh Thiện được gom 3 mẫu tinh trùng trữ đông, đủ cho một chu kỳ IVF. Chị Linh kích thích buồng trứng, chọc hút thu được 12 noãn để thụ tinh ống nghiệm. Phôi được nuôi cấy với hệ thống tủ timelapse, đặt trong labo siêu sạch mô phỏng buồng tử cung của người mẹ. Với hệ thống camera quan sát liên tục, chuyên viên phôi học ghi nhận 9 phôi phát triển đến giai đoạn ngày 3, nhưng 8 phôi bất thường. Họ tiếp tục nuôi đến ngày 5, lúc này vợ chồng chị Linh còn hai phôi, trong đó một phôi chất lượng tốt, phôi còn lại trung bình.
Chị Linh có niêm mạc tử cung mỏng, nhiều lần canh niêm mạc nhưng chưa đạt mức tối ưu. Người bệnh tha thiết chuyển phôi, nên bác sĩ Như cân nhắc chuyển phôi chất lượng trung bình, giữ lại phôi chất lượng tốt. Không ngoài dự đoán của bác sĩ, lần chuyển phôi này không thành công.
Bế tắc và sợ thất bại, vợ chồng chị Linh quyết định chọn phương án cuối cùng là nhờ người mang thai hộ. Họ được hai người thân tình nguyện giúp đỡ, song thủ tục hồ sơ khá khó khăn nên đành trở lại IVF Tâm Anh TP HCM chuyển phôi cuối cùng. "Chúng tôi dự tính nếu lần này thất bại, hết phôi thì sẽ xuất ngoại nhờ người mang thai hộ để có con", chị Linh nói.
Kế hoạch này đã không xảy ra khi chiếc phôi cuối cùng đậu thai. Lần này, chị Linh được bác sĩ Như theo dõi chặt chẽ nội tiết, chuẩn bị niêm mạc tử cung đạt 9 mm, tốt hơn những lần điều trị trước. Hai tuần sau chuyển phôi, chị Linh nhận kết quả xét nghiệm báo tin vui.
Trải qua 9 tháng thai kỳ với thể trạng yếu, nhiều lần dọa sảy thai được các bác sĩ can thiệp kịp thời, cuối cùng chị Linh sinh con gái khỏe mạnh, nặng gần 2,7 kg, vào đầu tháng 12/2024. "Chúng tôi đặt tên con là Phạm Ngọc Như Tâm để bày tỏ biết ơn với bác sĩ Giang Huỳnh Như và bệnh viện Tâm Anh", anh Thiện nói.
Tại hệ thống IVF Tâm Anh, có đến 60% lượng bệnh nhân là vợ chồng lớn tuổi, chuyển phôi nhiều lần thất bại. Nhờ liệu pháp cặp đôi và phác đồ cá thể hóa, sự hỗ trợ của nhiều công nghệ hiện đại, tỷ lệ điều trị thành công ở những trường hợp khó, ngoài 40 tuổi là hơn 44%. Do đó, bác sĩ Như khuyên các vợ chồng hiếm muộn không vội bỏ cuộc, nên kiên trì và hợp tác điều trị theo đúng phác đồ bác sĩ đưa ra để đạt hiệu quả tối ưu, sớm có con, tiết kiệm chi phí.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |