Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chức năng gan suy giảm khi gan xơ hóa, ảnh hưởng khả năng hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp thể trạng, giúp duy trì năng lượng, ngăn ngừa bệnh tiến triển nhanh.
Củ dền đỏ
Betacyanin trong củ dền đỏ thúc đẩy quá trình giải độc gan diễn ra thuận lợi hơn. Sắc tố betalain trong củ dền đỏ có đặc tính chống viêm, ngăn ngừa ung thư. Chất xơ pectin còn hỗ trợ thải độc, làm sạch gan.
Trái cây họ cam, quýt
Trái cây họ cam, quýt giàu vitamin C, giúp cơ thể cải thiện khả năng miễn dịch. Vitamin C giúp giảm viêm nhiễm, thúc đẩy quá trình hồi phục tế bào gan bị tổn thương do ảnh hưởng của xơ gan. Dưỡng chất này còn góp phần đào thải độc tố ra ngoài qua đường tiết niệu, giảm nóng gan và nổi mẩn đỏ ở người bệnh xơ gan.
Nghệ
Chất curcumin của nghệ giảm cholesterol xấu trong máu, hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ. Curcumin cũng hỗ trợ gia tăng hàm lượng glutathione, enzyme tiêu hóa protein metalloproteinase 13 có tác dụng phá vỡ các mô liên kết quá mức gây xơ hóa. Nghệ giúp giảm viêm, góp phần bảo vệ gan trước tác động tiêu cực của gốc tự do.
Các loại đậu
Các loại đậu cung cấp protein nạc, tránh thiếu hụt dưỡng chất, giảm gánh nặng cho gan. Một số loại đậu còn có công dụng thanh nhiệt, làm mát, giải độc gan. Ví dụ như molypden trong đậu đen là thành phần của enzyme sulfite oxidase, mang đến tác dụng giải độc sulfates cho gan.
Các loại quả mọng
Mâm xôi, bưởi, việt quất... có chứa chất chống oxy hóa polyphenol bảo vệ gan khỏi tổn thương. Vitamin C của việt quất hỗ trợ cơ thể tăng tốc sản sinh glutathione - cần thiết cho gan trong quá trình giải độc. Việt quất cũng có công dụng chống viêm, ngăn chặn quá trình xơ hóa ở gan.
Các loại cá béo
Cá béo (cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá thu...) tốt cho người xơ gan. Khoang bụng và mô của những loại cá này chứa nhiều dầu cá. Axit béo omega-3 là thành phần chính của dầu cá, giảm tình trạng viêm. Dầu cá góp phần cải thiện triệu chứng bệnh xơ gan, ngăn ngừa tích tụ chất béo.
Rau chân vịt
Chất chống oxy hóa glutathione trong rau chân vịt thúc đẩy hoạt động của men giải độc gan. Hàm lượng chlorophyll trong loại rau này hỗ trợ trung hòa các kim loại nặng, thanh lọc gan. Vitamin A, C, K cùng những chất chống oxy hóa khác góp phần đẩy lùi gốc tự do gây hại, thúc đẩy chữa lành tổn thương ở người xơ gan.
Cà rốt
Với hàm lượng vitamin A phong phú, cà rốt giúp người bệnh bảo vệ gan, loại bỏ chất độc hại. Beta-carotene, vitamin C, flavonoid, magie, kali... thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương gan, tăng cường hệ miễn dịch.
Các loại hạt
Axit béo omega-3 trong hạt óc chó, hạt chia, hạnh nhân, hướng dương, hạt điều, hạt bí... giảm tình trạng viêm ở gan. Polyphenol, vitamin E và chất chống oxy hóa khác trong các loại hạt góp phần chống lại gốc tự do gây hại, cải thiện nồng độ men gan.
Thịt gia cầm
Thịt gia cầm cung cấp nhiều protein nạc cho cơ thể. Protein nạc là dưỡng chất cần thiết để tái tạo các tế bào mới tại gan, làm quá trình xơ hóa chậm lại. Một phần protein được cơ thể hấp thu chuyển hóa thành năng lượng, giúp người bệnh giảm suy nhược, mệt mỏi. Nên ăn thịt gia cầm bỏ da, mỡ.
Nước
Hầu hết người bệnh xơ gan không cần hạn chế uống nước, trừ trường hợp hàm lượng natri trong cơ thể ở dưới mức 125 mmol/L. Khi xơ gan tiến triển, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nên hạn chế uống nước, duy trì tối thiểu 800-1.000 ml nước mỗi ngày.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bị xơ gan nên chọn thực phẩm tươi, sạch, chế biến đơn giản, ít gia vị, không ăn hải sản, thịt còn sống hoặc tái, ăn với lượng vừa phải. Một số tinh chất thiên nhiên như S.marianum, wasabia hỗ trợ tăng khả năng giải độc, làm chậm xơ hóa gan. Người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống riêng được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.
Kim Thành
Độc giả có thắc mắc về dinh dưỡng đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.