Táo bón là một chứng rối loạn đường tiêu hóa phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Người táo bón sẽ gặp tình trạng đi đại tiện khó, đau rát vì phân khô, cứng. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Loan - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết hàng ngày có nhiều ba mẹ đưa trẻ đến khám do táo bón, dù cho trẻ ăn nhiều rau xanh hơn nhưng tình trạng không cải thiện.
Táo bón có thể xuất hiện do bệnh lý, chế độ dinh dưỡng hay sinh hoạt chưa khoa học. Theo bác sĩ Loan, nếu trẻ chỉ thay đổi ăn nhiều rau củ quả hơn thì có thể chưa đủ, cần kết hợp uống đủ nước, hạn chế các thực phẩm có thể gây táo bón nặng hơn.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các món chiên rán chứa nhiều chất béo chuyển hóa và ít chất xơ, khiến quá trình tiêu hóa diễn ra khó khăn. Khi loại thực phẩm này di chuyển đến ruột già, một lượng nước lớn có thể bị lấy ra, khiến chất thải khô cứng. Bên cạnh đó, bạn sẽ dễ bị chướng bụng khi ăn món chiên rán. Thức ăn nhanh hầu hết đều chứa nhiều chất béo xấu và chất bảo quản, ít chất xơ, khiến quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng tiêu cực, dễ gây táo bón.
Thực phẩm chứa quá nhiều đường: Các món như kẹo, bánh ngọt, bánh quy,... chứa ít chất xơ và nước, nhiều chất béo nên không có lợi cho hệ tiêu hóa của người đang mắc táo bón. Tiêu thụ những món này khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm, khiến chứng táo bón nặng thêm. Các chất làm ngọt như agave, siro, đường tinh luyện cũng là có thể khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng tiêu cực. Thay vì dùng chất tạo ngọt nhân tạo, mọi người có thể sử dụng vị ngọt tự nhiên đến từ trái cây.
Thực phẩm cay nóng: Những món ăn này có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích, tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa về lâu dài, khiến chứng táo bón nặng hơn. Ví dụ, tiêu, ớt có tính hút nước cao, vì thế nếu bạn ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị thiếu nước, dẫn đến tình trạng táo bón do nóng nhiệt, gặp khó khăn khi đi đại tiện.
Thức ăn giàu carbs tinh chế: Bao gồm mì ống, bột mì, bánh mì, gạo trắng,... Ví dụ, triệu chứng táo bón có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến từ bột mì trắng. Lý do là vì bột mì trắng không sở hữu chất xơ, dưỡng chất hữu ích cho đường ruột. Lượng chất xơ của lúa mì chủ yếu tập trung ở phần mầm và cám. Thế nhưng những phần này đều bị loại bỏ trong quá trình chế biến. Những loại bánh làm từ bột mì trắng phổ biến là sandwich hoặc bánh mì trắng, bánh quy, bánh mì tròn, hamburger,...
Sữa và các sản phẩm của sữa: Tiêu thụ sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa chứa nhiều quá nhiều chất đạm có thể dẫn đến chứng khó tiêu, đầy hơi, làm người bị táo bón cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, dạ dày cũng sẽ gặp trở ngại trong việc xử lý protein có trong sữa. Bạn có thể kiêng dùng một số loại thực phẩm khi đang bị táo bón, bao gồm sữa, kem, phô mai hoặc tư vấn bác sĩ.
Đồ uống có cồn: Người bị táo bón cũng cần kiêng dùng thức uống có cồn như rượu, bia,... Khi dùng lượng lớn bia, rượu sẽ khiến cơ thể đào thải nhiều chất lỏng hơn thông qua nước tiểu. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước, phân trở nên khô cứng.
Thực phẩm chế biến sẵn: Các món này thường sẽ khiến việc tiêu hóa diễn ra khó khăn vì thành phần chứa lượng lớn natri. Natri có thể khiến chất lỏng trong cơ thể bị mất cân bằng. Điều này sẽ làm lượng nước trong phân giảm đi. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn còn chứa nhiều chất béo, không có chất xơ, cản trở hoặc khiến bệnh táo bón trở nên nghiêm trọng hơn. Một số loại thực phẩm chế biến sẵn điển hình gồm có thịt, cá đóng hộp, giăm bông, khô bò, lạp xưởng, xúc xích, thịt muối, thịt hun khói...
Thịt đỏ: Thực phẩm này thường có ít chất xơ, nhiều chất béo, tăng nguy cơ bị táo bón nặng hơn. Lượng lớn chất béo bão hòa trong thịt đỏ sẽ khiến quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra chậm hơn, tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, thịt đỏ cũng có nhiều protein nên dễ gây ra tình trạng khó tiêu. Người bị táo bón nên hạn chế dùng những loại thịt đỏ như thịt heo, cừu, bê, bò, trâu, ngựa,...
Chuối xanh: Chuối chín có nhiều chất xơ hòa tan và kali hữu ích cho người bị táo bón. Tuy nhiên, chuối xanh lại có hàm lượng tinh bột dồi dào, khiến việc tiêu hóa gặp trở ngại. Hầu hết tinh bột trong chuối xanh là dạng kháng hấp thụ. Đây là một loại carbohydrate phức tạp khó tiêu hóa. Hàm lượng tannin trong chuối xanh còn dễ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Socola: Socola sở hữu lượng chất béo nhiều nhưng lại chứa rất ít chất xơ, thậm chí là không có. Hệ tiêu hóa sẽ gặp trở ngại khi xử lý socola, làm quá trình đào thải phân diễn ra chậm. Cafein trong loại thực phẩm này cũng khiến cơ thể dùng nhiều nước hơn để tiêu hóa thức ăn, dễ dẫn đến chứng táo bón. Ngoài ra, socola còn khiến diễn biến của hội chứng ruột kích thích trở nên nặng hơn.
Trứng: Trứng vốn rất bổ dưỡng, sở hữu nhiều protein nhưng lại chứa ít chất xơ. Nếu tiêu thụ quá nhiều, việc tiêu hóa sẽ gặp khó khăn, dễ dẫn đến chứng táo bón. Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải kiêng trứng hoàn toàn mà hãy bổ sung thêm nguồn thực phẩm giàu chất xơ vào khẩu phần.
Kim Thư