Con trai của vợ chồng chị Vy chào đời cách đây vài tuần nhờ thụ tinh ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM).
"Sự kiên trì và những mất mát mà vợ chồng tôi trải qua hơn chục năm nay được đền đáp bằng quả ngọt", chị Vy, ngụ Khánh Hòa, nói hôm 17/7.
11 năm trước, chị Vy được bác sĩ chẩn đoán tắc hai vòi trứng, phải mổ thông, hai lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) không thành công. Một năm sau, chị mang thai ngoài tử cung, phải cắt một bên vòi trứng, cơ hội mang thai giảm một nửa.
Chị thụ tinh trong ống nghiệm tại một bệnh viện ở TP HCM năm 2019, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) lúc ấy chỉ còn 1.67 ng/ml, thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Kết quả chỉ tạo được một phôi ngày 3, chuyển phôi vào tử cung thất bại.
Biến cố lớn nhất trong hành trình "tìm con" là khi chị IVF mang thai 12 tuần thì siêu âm phát hiện thai nhi mắc hội chứng Edwards (Trisomy 18), tức bộ gene thừa một nhiễm sắc thể số 18 gây các rối loạn di truyền. Em bé mắc hội chứng này được tiên lượng sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh, đầu nhỏ, khuyết tật trí tuệ nặng... Bác sĩ khuyên đình chỉ thai kỳ nhưng vợ chồng chị Vy quyết định giữ thai.
Họ đến các bệnh viện khác tìm cách điều trị cho thai nhi nhưng tiên lượng rất khó. Vợ chồng bán nhà ở quê, chuẩn bị chạy chữa cho con, song bé tử vong ngay trong bụng mẹ lúc thai kỳ 32 tuần do dị tật nặng, cân nặng thai chỉ 700 g.
Mất 4 năm vợ chồng chị mới lấy lại tinh thần để tiếp tục chữa trị hiếm muộn. Họ đến IVF Tâm Anh TP HCM năm ngoái, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị Vy chỉ 0.7 ng/ml, hai buồng trứng còn vài nang noãn (trứng). ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc trung tâm, đánh giá chị Vy hội tụ đủ các yếu tố thách thức cho việc điều trị thụ tinh ống nghiệm và mang thai như lớn tuổi, vô sinh lâu năm, điều trị thất bại nhiều lần, ít trứng, bệnh lý phức tạp và cư ngụ ở tỉnh xa.
"Các bác sĩ phải phối hợp chặt chẽ từ lâm sàng đến chuyên viên phôi học, vận dụng những công nghệ và chiến lược hiện đại nhất để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Như nói. Bác sĩ Như vạch ra phác đồ gom noãn tích lũy nhiều chu kỳ, mục tiêu là thu được nhiều noãn giúp tăng tỷ lệ nuôi cấy phôi, đặc biệt là phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Để đạt mục tiêu này, vợ chồng chị Vy hàng tuần từ Khánh Hòa vào TP HCM thăm khám, kích thích buồng trứng, siêu âm theo dõi sự phát triển của nang noãn, chọc hút noãn... Sau hai chu kỳ, chị Vy có được 10 noãn trưởng thành.
Chuyên viên phôi học lựa chọn tinh trùng khỏe mạnh của người chồng tiêm vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI), nuôi phôi trong hệ thống tủ trang bị camera quan sát liên tục và tích hợp trí tuệ nhân tạo. Kết quả thu được hai phôi ngày 5 và 4 phôi ngày 6.
Sau hai lần được bác sĩ Như chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển phôi, chị Vy đậu thai. Những tuần đầu, thai nhi có nguy cơ bóc tách, chị Vy phải liên tục đến bệnh viện, đặt thuốc kịp thời giữ thai. Sau 12 tuần, thai phát triển ổn định, chị được chăm sóc tại Trung tâm Sản Phụ khoa, tuân thủ chặt chẽ các mốc khám thai định kỳ.
Bé trai nặng 3,5 kg chào đời vào tháng 6. "Sau hơn 70 lần lui tới các bệnh viện điều trị tôi mới có con", chị Vy nói.
40-50% bệnh nhân điều trị hiếm muộn tại IVF Tâm Anh TP HCM là ở tỉnh xa, thậm chí ở nước ngoài, vô sinh lâu năm, điều trị thất bại nhiều nơi... Để thuận tiện cho người bệnh, bác sĩ có thể linh động trong một số mốc thăm khám, sử dụng kết quả xét nghiệm ở các bệnh viện khác với thời hạn chưa quá 6 tháng. Người bệnh được hỗ trợ từ xa suốt hành trình điều trị. Bên cạnh đó, phòng khám online hoạt động vào chiều thứ 5 hàng tuần để bệnh nhân được bác sĩ tư vấn từ xa, hỗ trợ kịp thời. Sau IVF thành công, thai kỳ sau 12 tuần, bệnh nhân có thể thăm khám thai kỳ tại nơi sinh sống mà không cần đến viện.
Trường hợp đang điều trị IVF giai đoạn đầu, bác sĩ Như khuyến cáo các mốc khám quan trọng không thể bỏ qua như thăm khám ban đầu, siêu âm theo dõi sự phát triển nang trứng trong quá trình kích thích buồng trứng giúp "bắt" được thời điểm noãn trưởng thành, tối ưu số noãn chọc hút thành công.
"Các mốc khám trước và sau chuyển phôi, xét nghiệm beta, khám theo dõi sự phát triển của thai nhi trong 12 tuần đầu, nhất là trường hợp thai kỳ nguy cơ bóc tách cao, rất quan trọng để tăng khả năng thành công", bác sĩ Như nói.
Hoài Thương
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |