Cao huyết áp
Huyết áp cao liên tục, hay còn gọi là tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Tuy nhiên, huyết áp cao có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống như giảm căng thẳng, không hút thuốc. Bạn nên đảm bảo kiểm tra huyết áp thường xuyên dưới sự giám sát của bác sĩ để kiểm soát mức huyết áp.
Lượng đường trong máu cao
Lượng đường trong máu thất thường, lượng đường trong máu cao mạn tính hoặc bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể làm vỡ các mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ. Mỗi người lưu ý khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng bệnh tiểu đường, từ đó có kế hoạch điều trị thích hợp thông qua chế độ ăn uống nếu cần thiết.
Không chữa bệnh tim
Nếu bị khó thở khi đi bộ hoặc gắng sức, hoặc bị đau ngực, bạn cần thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Bệnh tim là một yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ. Bất kỳ dạng đau ngực nào cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân chính xác, lên phác đồ điều trị đúng hướng cho người bệnh.
Bỏ qua tình trạng TIA
Hầu hết mọi người không nhận ra một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA). Các triệu chứng của TIA gồm: tê, yếu mặt, cánh tay hoặc chân (thường ở một bên cơ thể); khó nói; chóng mặt không rõ nguyên nhân; mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt; nhìn đôi hoặc nhìn mờ. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn cần đi khám ngay lập tức. Đây là dấu hiệu cảnh báo lớn nhất cho thấy bạn có nguy cơ bị đột quỵ.
Hút thuốc
Chỉ trong 10 phút sau khi bạn hút thuốc lá, nhịp tim có thể tăng đến 30%. Thói quen này có thể gây các bệnh xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử... Nếu bỏ thuốc lá, phần lớn nguy cơ này có thể được loại bỏ.
Ít vận động
Người ít vận động có nhiều khả năng mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim và huyết áp cao. Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể, bao gồm giảm nguy cơ đột quỵ. Bất kể tình trạng sức khỏe nào, vẫn có những bài tập an toàn và dễ dàng có thể duy trì sức khỏe của bạn, đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ.
Cholesterol cao
Mức cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ. Bạn nên theo dõi mức cholesterol, đảm bảo nó duy trì trong ngưỡng an toàn để giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng tim mạch. Khoảng cholesterol tối ưu cho cả nam và nữ trên 20 tuổi là 125 mg/dL đến 200 mg/dL. Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
Uống nhiều rượu
Một ly rượu mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới là mức có thể chấp nhận được. Nếu uống nhiều hơn có thể làm tăng huyết áp và chất béo trung tính trong cơ thể. Điều này sẽ góp phần làm cứng động mạch cảnh, tăng nguy cơ đột quỵ.
Béo phì
Nếu bị béo phì, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc các yếu tố nguy cơ khác nữa dẫn đến đột quỵ, bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường. Giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Không dùng thuốc
Hầu hết yếu tố nguy cơ đột quỵ có thể được kiểm soát nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải thường xuyên dùng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo chỉ định của bác sĩ, kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ có thể điều chỉnh đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
Châu Vũ (Theo Verywellhealth)