(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Điểm tích cực nhất và là thành công to lớn nhất là sau hơn ba tuần kể từ khi Việt Nam thực hiện cách ly 100% nguồn vào (21/3) là số ca nhiễm trong và ngoài khu cách ly (từ người nhập cảnh không thuộc diện cách ly trước đó và từ lây nhiễm cộng đồng) vẫn khá thấp so với phần trăm số người nhiễm từ các chuyến bay trước đó. Lo ngại sự kết hợp của hai nguồn bệnh từ người mới nhập cảnh và trong cộng đồng dễ dẫn đến tình trạng vỡ trận như các nước có thể phần nào được gỡ bỏ.
Đội ngũ y bác sĩ đã thành công trong việc cứu chữa các ca bệnh nặng và không để bị lây nhiễm từ người bệnh. Phần đông người dân đồng thuận chủ trương của chính phủ và thực hiện nghiêm cách ly xã hội.
Nhiều cửa hàng, dịch vụ và công ty chịu thiệt hại khi vẫn phải chi trả chi phí hoạt động và đánh mất chi phí cơ hội để cùng cả nước chống đại dịch Trong thời điểm khó khăn vẫn xuất hiện nhiều hành động cao đẹp của người dân giúp đỡ những ít có điều kiện hơn: các suất cơm miễn phí, ATM gạo...
Điểm hạn chế là chưa có chiến lược rõ ràng trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, bị động trong việc chạy theo và xử lý các ổ dịch. Chưa thực hiện xét nghiệm mục tiêu trên diện rộng ngoài những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Khu chế xuất Tân Thuận.
Nhật Bản đã kêu gọi tổ chức Olympic bình thường do rất tự tin về chiến lược xét nghiệm và cô lập người nhiễm bệnh của mình cho đến khi có kết quả xét nghiệm trên diện rộng. Quy trình xét nghiệm nCoV, ngoài triệu chứng còn đòi hỏi phải yếu tố dịch tễ nghi nhiễm (đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bị nhiễm) dẫn đến bỏ sót người bệnh bị lây từ cộng đồng, không xác định được F0 (ví dụ như BN243 và 262 gần đây).
Không chú trọng đến việc xác định và cách ly người nhiễm không có triệu ứng (asymptomatic carrier hay người bệnh thầm lặng). Iceland xét nghiệm trên diện rộng và phát hiện 50% người nhiễm không triệu chứng là số liệu đáng tin cậy nhất so với các số 18%, 30% từ Nhật, 20% từ Hàn, 70% từ thị trấn Vò...
Chuyện gì sẽ xảy ra khi có hơn 250 người nhiễm không triệu chứng và những người lây nhiễm từ họ (và 50% số này không có triệu chứng) không được xét nghiệm, cách ly và tiếp tục lây lan cho những người khác?
>>Tại sao 12 tỉnh thành có nguy cơ cao?
Thực hiện chiến lược cách ly xã hội chưa thực sự triệt để khi phần đông người làm việc cho các công ty sản xuất không thuộc nhóm thiết yếu vẫn phải đi làm. Xác suất để những người nhiễm bệnh không triệu chứng hay trong thời kỳ ủ bệnh lọt vào các nhà máy hàng nghìn hay chục nghìn người là rất cao (ví dụ như BN262).
Ý thức kém của một bộ phận nhỏ người dân không thượng tôn pháp luật, tìm mọi lý do để không tuân thủ. Các chuyến xe, tàu hỏa hay máy bay trong nước được hạn chế tuy nhiên vẫn còn hoạt động và tình trạng nhiều người dân từ các khu vực có dịch di chuyển về quê.
Việc có quá nhiều người đi lại giữa các vùng miền, dù hạn chế một phần chỉ cách ly người về từ vùng dịch (ví dụ như tỉnh Quảng Nam) cũng sẽ không đảm bảo việc họ tự tin cho phép học sinh đi học, các cửa hàng dịch vụ mở cửa lại như trước mặc dù hơn 14 ngày vừa qua họ không có ca nhiễm mới.
Chiến lược hiện tại không cho biết được thời gian hết dịch trong nước, đến khi nào học sinh mới lại được đến trường? Các công ty, cửa hàng, dịch vụ đang đóng cửa sẽ chịu đựng nổi chi phí đến bao lâu trước khi phá sản hay giải thể? Chi phí cơ hội của người bị cách ly diện rộng có được xem xét? Hệ lụy của nó đến vấn đề xã hội, sức khỏe tinh thần của người dân (stress, hoang mang, rối loạn tâm lý...) thất nghiệp và suy thoái kinh tế có được tính đến?
Tiềm ẩn nguy cơ không thể kiểm soát nếu số ca nhiễm ngoài cộng đồng đã nhiều, ví dụ như Singapore, Nhật, hay Ấn Độ. Khi đó không những bắt buộc phải phong tỏa tất cả mà thời gian phong tỏa còn phải kéo rất dài, việc khôi phục lại rất khó khăn khi nguồn lực và năng lực xét nghiệm nhanh không đủ dễ dẫn đến làn sóng kế tiếp (ví dụ trường hợp của Mỹ và Trung Quốc).
Khi rất nhiều người hay công ty phải đóng cửa để cùng nhà nước chống đại dịch thì nhiều công ty lại được hoạt động bình thường mặc dù không nằm trong nhóm thiết yếu. Hiệu quả của việc đo thân nhiệt đã được kiểm chứng ở các sân bay tuy nhiên vẫn được triển khai hàng loạt ở các cửa ngõ Sài Gòn, các tòa nhà, chung cư, nhà máy...
Việt Nam có cần gia hạn thêm thời gian cách ly xã hội hay không? Như đã phân tích, hiện có thể an tâm về số lượng lớn người nhập cảnh trước đó. Tuy nhiên vẫn còn nguồn vào khi sắp đến chúng ta sẽ tiếp nhận công dân và du học sinh từ các vùng dịch.
Mặc dù ít có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng nhưng số lượng người nhiễm nhiều cũng gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế.
Rủi ro tiềm ẩn khi chưa biết được số người nhiễm bệnh ngoài cộng đồng. Khi số ca nhiễm tăng thì nguồn lực dùng để cô lập dịch tăng cao gấp bội, chưa kể dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được như các nước Hiện tại trên thế giới chỉ có cách điều trị duy nhất được chứng minh hiệu quả là dùng huyết tương của người khỏi bệnh (Convalescent plasma).
Vaccine là giải pháp tối ưu tuy nhiên nếu thành công cũng phải đợi 1 đến 1.5 năm nữa và quan trọng nhất là thứ tự ưu tiên cũng như chi phí cho hơn 97 triệu người Việt Nam.
>>Giải pháp công nghệ hậu cách ly xã hội
Hiệu quả của chiến lược hiện tại trong giai đoạn 3? Có cách nào vẫn duy trì bộ máy sản xuất chủ yếu và chống dịch hiệu quả? Theo quan điểm của tôi là không, tuyệt đối không mà cần phải khắc phục những điểm yếu ngay lập tức.
Việt Nam cần chọn chiến lược dập dịch thật nhanh bằng tất cả các nguồn lực có thể huy động được (hướng đi như của New Zealand). Khi có thể quay trở lại sản xuất trong nước thì sẽ nắm nhiều lợi thế trong việc nhận các đơn hàng cũng như tranh thủ chuyển giao công nghệ để đáp ứng các nhu cầu cấp bách của các quốc gia đang còn chống dịch: ví dụ như công nghệ sản xuất máy trợ thở, trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm...
Với nguồn lực tương đối dồi dào hiện có (khi có ít ca nhiễm từ nguồn nhập cảnh) cộng với thời cơ chín muồi, Việt Nam cần thay đổi chiến lược phòng ngự lâu dài sang chủ động tấn công để dập dịch trong nước. Nếu nguồn lực cho phép và số ca nhiễm trong cộng đồng chưa quá nhiều, sau hơn 10 ngày tới sẽ có thể cô lập gần như tất cả người nhiễm và đa số các vùng miền sẽ trở lại hoạt động bình thường sau đó 14 ngày.
Ưu tiên mọi nguồn lực để xét nghiệm và cô lập người bệnh cho các vùng trọng điểm trước. Đảm bảo hàng hóa thiết yếu được lưu thông liên vùng, nhưng người (ví dụ: tài xế) phải được hạn chế (tài xế trung chuyển), khai báo y tế và kiểm soát như nhiễm bệnh.
Các ban ngành chuyên môn cần tận dụng mọi nguồn lực để triển khai: Xây dựng hệ thống tổng đài kết nối người có triệu chứng liên hệ số hotline hay khai báo trực tuyến với bác sĩ khám xác minh triệu chứng để quyết định cho xét nghiệm nCoV hay không.
Cần tận dụng chuyển đổi các hệ thống tổng đài hiện có và tất cả đội ngũ y tế có chuyên môn hay bác sĩ chuyên khoa được đào tạo nhanh (danh sách các câu hỏi và các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm khác). Trung bình 1 cuộc gọi 10 phút thì 1 ngày bác sĩ có thể khám cho gần 50 bệnh nhân, ưu tiên đặt hẹn xét nghiệm nCoV nếu phân vân.
Lập đội phân tích nhanh bằng kháng thể và lấy mẫu phân tích RT-PCR lưu động theo địa bàn. Chỉ cần dương tính với xét nghiệm kháng thể (sau 2 lần để hạn chế sai số) lập tức cách ly tập trung từng thành viên trong gia đình tại nhà trước, điều tra dịch tễ, rà soát người lây qua các F và đặc biệt người lây nhiễm không triệu chứng. Thực hiện cách ly như hiện tại sau khi có kết quả dương tính RT-PCR. Nếu âm tính vẫn phải điều tra dịch tễ và xác minh nguồn lây nhiễm cho người này.
Tích cực mua sắm hay tận dụng các mối quan hệ ngoại giao để mua thêm nhiều kit xét nghiệm, tối ưu hóa quy trình để tăng công suất xét nghiệm tối đa. Ban hành các chỉ thị hay văn bản pháp luât để nâng mức hình phạt và chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe với những người vô ý thức, không thượng tôn pháp luật. Hợp pháp hóa các việc làm chưa có tiền lệ: khám online và cấp thuốc bảo hiểm y tế, tính phí người bệnh sau thời gian điều trị miễn phí được công bố...
Triển khai hệ thống khám chữa bệnh qua điện thoại, khám và phát thuốc tại nhà nhất là các bệnh nặng, cần thường xuyên khám và thay đổi thuốc hay liều lượng cho người lớn tuổi: ví dụ tim mạch, huyết áp, tiểu đường... Hiện tại rất nhiều người vì sợ lây nhiễm nCoV ở các khu vực đông người và bệnh viện nên không dám đi khám định kỳ. Chỉ cần tất cả các bệnh viện tự triển khai là có thể thực hiện tốt do số lượng không nhiều.
Đảm bảo cung cấp thực phẩm cho các khu vực có nhiều người thu nhập thấp, xóm trọ công nhân... Có thể kết hợp kêu gọi đóng góp và tiếp sức từ người dân và các tổ chức thiện nguyện.
Công an và dân phòng thực hiện chế tài nghiêm có ghi lại video khi đi tuần tra và khi nhận được tin từ người tố cáo Xây dựng chiến lược để không xảy ra làn sóng kế tiếp sau khi gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh: cách ly 100%, hay làm các xét nghiệm sớm 100% và cách ly nhằm đảm bảo không có mầm dịch bên ngoài vào Việt Nam.
Tích cực truyền thông, vận động, và bắt buộc người dân cả nước cùng hành động. Người có triệu chứng (ho khan, sốt, mệt mỏi và mất vị giác) liên hệ số hotline (hay khai báo y tế qua app) để được đội ngũ y tế gọi điện thoại khám trực tuyến, và ưu tiên xét nghiệm.
Mỗi người ngoài tuân thủ các khuyến cáo y tế cần phải ứng xử như mình đang mầm bệnh trong người hoặc những người xung quanh đang mang mầm bệnh trong người Đảm bảo người dân, nhất là nhân viên ở các nhà máy ở lại nơi cư trú hiện tại, không ồ ạt di chuyển về các vùng khác.
Đặc biệt đối với người không tự nguyện khai báo y tế khi có triệu chứng bệnh, thiếu hợp tác hay không trung thực trong việc khai báo bệnh qua hệ thống tổng đài, lịch sử đi lại và tiếp xúc, trốn cách ly tại gia, không tuân thủ hay trốn cách ly ở các khu cách ly tập trung phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định. Buôn bán khẩu trang N95, khẩu trang y tế không có giấy phép, yêu cầu tự nguyện đóng góp nếu không bắt buộc phải giao nộp toàn bộ hàng trong kho với giá gốc
Tập trung nguồn lực để xét nghiệm người bệnh không có triệu chứng bên ngoài khu cách ly, ưu tiên theo thứ tự sau: Nhân viên y tế và người thuộc nhóm nguy cơ cao có triệu chứng: nhằm bảo vệ lực lượng nòng cốt, tránh lây nhiễm chéo và nhóm người có xác suất cao cần được chăm sóc y tế sớm.
Tất cả người có triệu chứng không có yếu tố dịch tễ (không là các F của người nhiễm bệnh trước đó): là cơ sở rất quan trọng để tìm kiếm người bệnh không có triệu chứng Cần biết bệnh nhân phát hiện triệu chứng khi nào? Ưu tiên truy lại tiếp xúc trong khoảng thời gian 2 - 7 ngày trước đó, sau đó là mở rộng đến 12.5 rồi 14 ngày Cần điều tra dịch tễ những F1, F2, F3 và mở rộng ra thêm trong vùng gần đó với điều kiện là mới nhập cảnh trong vòng 4 tuần kể từ thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.
Đánh giá triệu chứng của những người tiếp xúc gần và nên xét nghiệm hết những người này. Lý do: họ có thể thuộc nhóm người bệnh không có triệu chứng bị lây nhiễm từ bên ngoài, lọt qua điều kiện sàng lọc cách ly, lây nhiễm cho người bệnh trong vòng 14 ngày trước đó.
Vẫn có khả năng người lây nhiễm là người bệnh không có triệu chứng (F1) được lây nhiễm từ người nhiễm bệnh không có triệu chứng (F2, chiếm 20% đến 65%). Nên cần xem xét triệu chứng bệnh của những F1, F2 và F3 và những người tiếp xúc gần với họ, nếu xuất hiện triệu chứng (35% đến 80% số người còn lại) là cần phải xét nghiệm ngay.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trương