(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Các cặp đôi có nguy cơ đưa nhau ra tòa ly hôn tăng cao đột biến, điều đó có nghĩa là những đứa trẻ cũng sẽ phải đối diện cuộc sống thiếu cha hoặc mẹ. Vì sao? Vì tự nhiên được ở chung nhà với nhau quá nhiều, sướng quá không chịu nổi dẫn đến tình trạng phải ly hôn. Vì không chịu được nhau? Trước kia yêu nhau chỉ muốn được ở cùng với nhau, chuyện thầm thì qua đêm, ôm gối mà tưởng ôm người yêu, giờ được ở gần với nhau lại ghét nhau đến nỗi mỗi người một phòng.
Bỏ qua cái chuyện cơm áo gạo tiền (đúng là nó đáng lo thật, không phủ nhận), để xem làm cách nào cứu vãn và gây dựng mối quan hệ đáng quý đã được cả hai họ chúc phúc tưng bừng này.
Tôi và chồng cùng nhất trí nội dung dựa trên cơ sở nhu cầu của cả hai, cộng thêm nhu cầu của hai đứa nhỏ nữa đề ra một số giải pháp như sau:
Lịch sinh hoạt rõ ràng: Ngày trước, mỗi người mỗi việc. Chuyện công ty anh, công ty em, trường học đứa A, đứa B. Giờ gộp vào làm cả nhà loạn hết cả lên, bối rối. Giờ giấc ngủ nghỉ cũng bị thay đổi. Đáng lẽ 10h tối cho bọn trẻ đi ngủ hết thì giờ cả nhà chong mắt xem phim tới tận 12h đêm. Sáng ra lại mỗi người dậy một kiểu, bọn trẻ mấy hôm này lạnh cũng được ưu ái cho ngủ muộn hơn nữa.
Việc đầu tiên là cả nhà thống nhất một lịch sinh hoạt chung. Có con trai lớn học online từ 8h – 11h30 và 13h-15h30 nên gia đình cũng theo lịch chính của bạn ấy, giờ ăn sáng, trưa, chiều vẫn giữ.
Em bé gái được học mỗi buổi một kỹ năng thực tế: Lau bàn, nhặt rau, dọn cơm... ở nhà có thể nghĩ ra đủ thứ cùng làm với nhau. Với tôi, dù hiện không phải làm việc, nhưng phấn đấu mỗi ngày học một thứ mới hoặc có thể tham dự một khóa học dài ngày. Ví dụ như tôi đang tự học đàn ukulele. Tôi nghĩ lại trước giờ ước muốn của mình là cái gì? Nhân dịp này cũng có thể triển khai.
Thời gian riêng quý giá: Điều này thường bị bỏ qua đặc biệt với một số gia đình có nhà diện tích nhỏ hẹp hoặc thói quen sinh hoạt chung quá nhiều. Làm ơn hãy tách ra nhé. Hãy sắp xếp sao cho ba và mẹ và bé có thời gian riêng trong ngày, có thể sắp xếp xen kẽ nhau kiểu: Ba trông em thì mẹ có thời gian riêng hoặc ngược lại. Có thể đi dạo trong sân, hoặc ngoài ngõ vắng người, hoặc ngồi xuống làm gì thì làm, thời gian riêng giúp mỗi cá nhân thoải mái thực sự. Chú ý: các chị hãy tôn trọng để các anh được tự nhiên. Tuy vậy, cái này cần thời gian đầu để thảo luận và sắp xếp, hãy hết sức thoải mái và nêu nhu cầu cụ thể để hai vợ chồng có thế hiểu và cùng hợp tác.
Truyền thông liên tục: Ở với nhau không nói thì làm gì, đúng không? Mà nói cái gì mới được chứ? Cái cần nói thì không nói, cái cần hạn chế nói thì lại cứ lôi ra sỉ vả nhau. Thực ra không tránh khỏi cái không vừa ý, nên nói chứ. Nhưng có thể bắt đầu câu nói bằng chính chủ ngữ là mình, ví dụ như: Em có thể giúp được gì cho anh không? Em cảm thấy hơi buồn vì anh chưa dọn nhà cùng em... Để đối tác có thể hiểu và cùng giúp đỡ.
Cái cần nói: Lời khích lệ, bày tỏ sự cần giúp đỡ, chuyện con cái và quan trọng nhất là không khí vui vẻ, nếu vì bất cứ điều gì mà khiến không khí căng thẳng thì hãy bày tỏ đơn giản: Chỉ đề cập đến hành động hoặc lời nói gây ra cảm xúc tiêu cực ở thời điểm nói, tránh lôi lại chuyện quá khứ, từ lẩu từ lâu và câu chuyện sẽ rất khó kiểm soát.
Giải quyết trong ngày: Tích cực thảo luận và giải quyết trong ngày luôn, làm hòa ngay trước lúc đi ngủ. Hy vọng với ba giải pháp trên, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua cơn đại nạn dịch này. Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.