Điều chỉnh chế độ ăn uống giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu trong máu. Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vĩnh Bình, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là phương pháp bắt buộc trong phòng ngừa, điều trị rối loạn mỡ máu. Mục tiêu ăn kiêng cho người bệnh gồm giảm lượng cholesterol ăn vào dưới 200 mg mỗi ngày và giảm tổng lượng chất béo dưới 25% tổng lượng calo, tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol.
Thịt đỏ, mỡ động vật, da gia cầm: Thịt bò, lợn, cừu, bê, dê, mỡ động vật, da gia cầm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. 100 g thịt đỏ chứa 1,2-4,5 g chất béo bão hòa và 50-105 mg cholesterol, trong khi đó 100 g mỡ động vật chứa 93 mg cholesterol. Có thể thay thế bằng thực phẩm ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn như thịt gà bỏ da, ức gà tây, cá, đậu. Tuy nhiên, không nên ăn quá 85 g mỗi khẩu phần ăn.
Nội tạng động vật: Gan, tim đều nhiều cholesterol. 100 g gan động vật chứa hơn 300-400 mg cholesterol, vượt xa số lượng cholesterol khuyến cáo hằng ngày.
Lòng đỏ trứng: Một quả trứng gà chứa khoảng 186 mg cholesterol. Người bệnh cao mỡ máu chỉ nên ăn một quả trứng gà mỗi ngày và không nên ăn thêm thực phẩm giàu mỡ, chất béo khác trong ngày hôm đó. Có thể ăn trứng cách ngày, theo tư vấn cụ thể của bác sĩ.

Lòng đỏ trứng giàu cholestrerol, người mỡ máu cao nên hạn chế. Ảnh: Freepik
Thức ăn chế biến sẵn: Xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng, thịt hộp chứa nhiều calo và chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride.
Thực phẩm chiên rán: Ăn nhiều thực phẩm chiên rán có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và biến chứng tim mạch cao hơn so với người khác. Thực phẩm chiên rán mà người mỡ máu cao nên kiêng là khoai tây chiên, gà rán, xúc xích chiên, cá viên chiên.
Phô mai: Cholesterol trong phô mai nhiều hơn trong các loại bánh kẹo. Một lát phô mai 20 g chứa 28 mg cholesterol và 5 g chất béo bão hòa. Người bị mỡ máu cao tiêu thụ nhiều phô mai khiến LDL và huyết áp tăng cao.
Dầu cọ và dầu dừa: Dầu cọ và dầu dừa có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Dầu cọ chứa khoảng 50% chất béo bão hòa, trong khi tỷ lệ này ở dầu dừa lên đến 85%. Tiêu thụ nhiều dầu cọ, dầu dừa có thể làm tăng cholesterol toàn phần và tăng LDL.
Thực phẩm chứa nhiều đường: Bánh kẹo ngọt, nước ngọt, nước ép trái cây đóng chai chứa hàm lượng đường cao, tăng nguy cơ chuyển hóa thành các triglyceride, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Bơ động vật và thực vật: Dù bơ thực vật không có cholesterol và chứa nhiều chất béo không bão hòa. Tuy nhiên, trong quá trình hydro hóa chất béo, phần lớn các chất béo không bão hòa bị biến đổi thành chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans fat), làm tăng hàm lượng cholesterol xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Sữa không tách béo (sữa nguyên kem): Chất béo bão hòa trong các loại sữa như sữa bò tươi nguyên chất, sữa dê, sữa chua nguyên kem làm tăng cholesterol xấu, gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Bác sĩ Vĩnh Bình khuyến nghị người bị mỡ máu cao nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt và cá. Thay thế bơ và mỡ bằng các loại dầu thực vật có nhiều chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu mè, dầu đậu nành. Vận động thường xuyên tối thiểu 30 phút mỗi ngày, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.
Một số tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (policosanol) chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ có tác dụng điều hòa hoạt động men HMG-CoA reductase và tăng hoạt hóa receptor tế bào. Từ đó, hỗ trợ điều hòa mỡ máu, kiểm soát tăng huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Diễm Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |