Ý kiến này của tôi có thể sẽ đi ngược lại với số đông, vì đa số chúng ta vẫn cho rằng nên mở cửa trường học từ trên xuống (từ khối lớp lớn đến khối lớp nhỏ). Tuy nhiên, theo tôi, mầm non là một khối học đặc thù, có nhiều điểm khác biệt so với các khối học khác và hoàn toàn nên mở cửa trước tiên. Ngoài ra, còn một số lý do sau:
Lý do đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, theo tôi là đặc điểm nhu cầu của trẻ em mầm non là rất lớn: các bé cần được chăm sóc, chứ không phải đơn thuần là dạy kiến thức. Tiếc rằng, hiện nay, bậc học này dường như vẫn bị bỏ rơi khi mọi người vẫn quá coi trọng mặt kiến thức, cho rằng trẻ em mầm non không phải học kiến thức mấy, nên nghỉ ở nhà cũng chẳng sao. Đó là một sai lầm rất lớn mà sẽ rất lâu sau này chúng ta mới có thể nhận ra. Điều này thể hiện rất rõ ở trường hợp các bé chậm nói hoặc có nhu cầu chăm sóc đặc biệt.
Thứ hai, kiến thức của khối mầm non là không bắt buộc, phụ huynh hoàn toàn có thể cân nhắc hoàn cảnh gia đình mình trước khi cho con đến trường. Thậm chí, các bé có thể ở nhà nếu có gia đình đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc tốt hơn mà không lo phải đến lớp. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu giãn cách cho các bé đi học.
Thứ ba, học sinh các khối tiểu học trở lên vốn đã quen với việc học online, nên các em có thể tiếp tục như hiện tại. Tuy nhiên, ở khối mầm non, việc học online hầu như không thể áp dụng được. Nếu có, nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy như cận thị, kém tập trung.
Thứ tư, thực trạng hiện nay là dù các bé được nghỉ học, nhưng hầu như không thể ở nhà hoàn toàn. Dễ dàng nhận thấy, các bé vẫn ra các khu vui chơi công cộng, đi mua sắm cùng bố mẹ, thăm người thân hoặc tham gia các nhóm lớp tự phát không được kiểm soát (nhiều nhóm trông trẻ nhận đến hơn chục bé). Thay vì đó, nếu có trường lớp được đảm bảo yếu tố phòng dịch, các hoạt động của trẻ em sẽ được tập trung lại và dễ kiểm soát hơn.
Thứ năm, trường mầm non nói riêng và các trường học nói chung, sau khi mở lại cũng sẽ áp dụng những quy trình phòng dịch cụ thể như: sĩ số tối đa, xét nghiệm giáo viên định kỳ, theo dõi y tế trẻ và gia đình... Do đó, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện dịch bệnh khi nó xuất hiện, nhanh chóng cách ly các khu vực có lây nhiễm.
>> Tốn chục triệu đồng gửi con vì trường mầm non không mở cửa
Thứ sáu, đối với các bộ ngành, cụ thể là Bộ Giáo dục & Đào tạo, việc tập trung nguồn lực để kiểm tra, kiểm soát riêng khối mầm non sẽ dễ dàng hơn là cùng một lúc phải lo tất cả các khối học.
Thứ bảy, đối với ngành Y tế, các nhà trường sẽ góp phần tạo nên một cánh tay vươn dài cho việc phát hiện dịch bệnh trong đối tượng trẻ nhỏ. Đây là điều mà hiện tại chúng ta thường dễ dàng bỏ qua khi chỉ tập trung xét nghiệm đối tượng người trưởng thành.
Thứ tám, mở cửa trường mầm non cũng sẽ góp phần làm giảm lưu thông giữa các tỉnh thành khu vực khi bố mẹ phải gửi con về quê, đồng thời vẫn về thăm thường xuyên.
Thứ chín, việc trường mầm non đóng cửa kéo dài, dẫn tới tình trạng phá sản, giáo viên về cơ bản cũng sẽ bị thất nghiệp (hoặc buộc phải dạy chui) hiện tại đang tăng lên. Nếu để lâu dài, khối giáo dục tư nhân sẽ sụp đổ, các nhà đầu tư sẽ né tránh mảng giáo dục tư nhân (trường mầm non, ngoại ngữ, kỹ năng, tiểu học, trung học...), để lại một lỗ hổng cực kỳ lớn khi lựa chọn về trường học sau đại dịch sẽ ít hơn. Chưa nói đến việc, các thầy cô giáo sợ rủi ro và chuyển ngành, gây ra thiếu hụt giáo viên có chuyên môn cao.
Cuối cùng, việc phủ vaccine toàn dân hiện nay đã được triển khai mạnh, người dân các thành phố lớn đang được tiêm mũi thứ ba, nhưng với trẻ em mầm non, việc tiêm vaccine vẫn còn là chuyện rất xa, cần thêm kiểm chứng. Nếu đợi vaccine phổ cập cho trẻ em từ 2-6 tuổi mới cho đi học, tôi e rằng sẽ lợi bất cập hại.
Theo tôi, trẻ mầm non hoàn toàn có thể đạt điều kiện quay lại trường khi bố mẹ đã tiêm đủ ba mũi vaccine. Cá nhân tôi đánh giá, hiện nay việc trẻ ở nhà hay tới trường cũng sẽ đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé bị giam lỏng ở nhà hoàn toàn. Nhưng liệu có bố mẹ nào dám khẳng định con tôi 24/7 không tiếp xúc với ai? Hay ai dám khẳng định mình hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm cho chính con mình?
Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non, sẽ làm giảm các hệ lụy về thiếu hụt kiến thức. Giữa hai phương án đều không trọn vẹn, chúng ta buộc phải chọn phương án tích cực hơn. Tôi tin rằng, mở lại khối mầm non trước các khối khác là một hướng đi cần xem xét và áp dụng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.