Xung quanh kế hoạch dự kiến cho học sinh Hà Nội đi học lại từ ngày 4/5, độc giả Cuccu chia sẻ quan điểm về thứ tự cấp học nên được ưu tiên trở lại trường sớm:
"Mầm non, tiểu học nên được đi học trước, để giải phóng sức lao động cho phụ huynh. Họ chính là những chiếc "máy trợ thở" cho các doanh nghiệp - trường mầm non - dễ tổn thương nhất. Trẻ em lứa tuổi này là những đối tượng bảo được, quản lý được, quỹ đạo hoạt động đơn giản từ nhà đến trường. Trong khi đó, sinh viên học ít, chơi nhiều, sở thích tụ tập... nên cho nghỉ thêm. Tư duy trên cơ sở lợi ích thực tế là nên như vậy".
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Thanh Thanh nhấn mạnh thêm:
"Các bé mầm non, tiểu học trong chừng mực nhất định thường ít phức tạp hơn trong khâu quản lý. Các bé đi học, ba mẹ có thể tập trung đi làm. Theo tôi thứ tự đi học nên là:
1. Mầm non, tiểu học, học sinh lớp 9, lớp 12;
2. Học sinh các khối lớp còn lại;
3. Học viên trưởng thành, sinh viên (vẫn học online trong thời gian nghỉ).
Mỗi nhóm nên trở lại trường cách nhau 1-2 tuần. Đối với dịch bệnh, việc quản lý các sinh hoạt của người lớn khó khăn, phức tạp hơn trẻ em, nên để đảm bảo các quy định giãn cách, cần chú ý giãn cách ở người lớn nhiều hơn".
>> Cho học sinh đi học lại giữa những hoài nghi
Cũng cho rằng cần ưu tiên để lứa tuổi học sinh đi học trước sinh viên, độc giả Ngoclm.262 lại đánh giá dưới một góc nhìn khác:
"Nói chính xác, cấp nào cũng nên được đi học cho công bằng. Tuy nhiên, tôi thấy đúng là nên ưu tiên các em học sinh hơn sinh viên. Thứ nhất, sinh viên có tinh thần tự học cao, học không nhất thiết phải theo chương trình trường giao cho, mà còn các kỹ năng khác được học từ nhiều nguồn khác nhau. Mục tiêu học xong là để xin việc, trong khi điểm số, bằng giỏi - bằng khá không phải là tất cả. Thứ hai, sinh viên có khả năng tự lập, nghỉ ở nhà thậm chí còn đỡ đần được cha mẹ, còn mấy em nhỏ ở nhà sẽ khiến phụ huynh cũng phải nghỉ việc để trông nom.
Tôi thấy, bản thân từ "sinh viên" có nghĩa là nghiên cứu, tự học, giảng viên đại học chỉ mang trách nhiệm hướng dẫn, không còn trách nhiệm giám sát, đôn đốc như giáo viên trường học phổ thông. Giảng đường mấy trăm sinh viên, nên thầy giảng cứ giảng, sinh viên nghe được đến đâu thì nghe. Bài tập làm thì làm, không làm cũng chẳng ai kiểm tra, phê bình, không có họp phụ huynh. Các bạn có thể tra từ khóa "student syndrome" (hội chứng sinh viên) để hiểu rõ hơn. Đây là từ khóa quốc tế, cũng phần nào mô tả được sự lúng túng của một số sinh viên khi chuyển từ cấp học sinh (việc học có người giám sát, đôn đốc) sang sinh viên (tự học). Ngược lại, càng về cấp học thấp (bé nhất là mẫu giáo) giáo viên lại càng phải đảm đương nhiều trách nhiệm, không những cần một bài giảng hay mà còn phải truyền một nguồn năng lượng tích cực tới con trẻ (nên việc tương tác trực tiếp là cần thiết, không thể ỷ lại học online).
Trong khi đó, bạn đọc Chichbong lại có nhận định khác khi cho rằng lứa tuổi mầm non chưa nên được cho trở lại trường sớm:
"Đại học có thể tiếp tục cho học từ xa được. Lớp 12 và lớp 9 nên triển khai trước, sau đó mới đồng loạt cho THCS và THPT học lại. Cuối cùng, mới cho lứa học sinh tiểu học và mầm non đến lớp. Các tường tiểu học công lập ở Hà Nội về cơ bản đều quá tải 50-60 cháu/ lớp, mầm non công lập cũng đông không kém. Các cháu phải ăn ngủ tập trung nên rất nguy hiểm".
"Nên cho THPT, THCS đi học thôi, tiểu học và mẫu giáo nên để xem tình hình thế nào đã. Còn cấp đại học cũng cần phải xem xét kỹ vì tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành chưa biết thế nào", độc giả Củ Lạc Già có cùng quan điểm.
>> Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.