Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam có 182.563 ca mắc ung thư mới và 122.690 ca tử vong. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. So với số liệu các năm trước, tình hình mắc và tử vong do ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh.
Tại Việt Nam, 10 loại ung thư phổ biến nhất năm 2020 gồm ung thư gan (chiếm 14,5%), ung thư phổi (14,4%), ung thư vú (11,8%), ung thư dạ dày (9,8%), ung thư đại tràng (5,1%), ung thư trực tràng (3,5%), bệnh bạch cầu (3,4%), ung thư tuyến tiền liệt (3,4%), ung thư vòm họng (3,3%) và ung thư tuyến giáp (3%).
Ung thư gan
Ung thư gan có tỷ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam năm 2020 với hơn 25.000 ca, chiếm tỷ lệ 14,5% ở cả hai giới. Đây cũng là một trong những loại ung thư hay gặp nhất trên toàn thế giới. TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, ung thư gan phụ thuộc vào tuổi tác (tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt sau 60 tuổi), giới tính (nam nhiều hơn nữ) và cả yếu tố di truyền.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư gan, trong đó, viêm gan virus là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Những người uống nhiều rượu bia và các chất kích thích hay đồ uống có ga cũng có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn nhiều so với những đối tượng khác. Theo bác sĩ Khiêm, ung thư gan có khả năng chữa khỏi lên 80-90% nếu phát hiện sớm.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến, gây tử vong hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm, đây là căn bệnh nguy hiểm với ca mắc mới ngày càng tăng, đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật. Ung thư phổi cũng giống ung thư gan khi có tỷ lệ mắc ở nam giới cao hơn nữ giới.
Ung thư phổi có hai loại phổ biến là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Triệu chứng của cả hai gần như tương tự nhau. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ hoặc không có. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh đến viện một loạt các triệu chứng như khó thở, ho kéo dài, buồn nôn, đau đầu, đau xương...
Theo bác sĩ Khiêm, khoảng 90% các trường hợp ung thư phổi là do thuốc lá. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với những ai không hút.
Ung thư vú
Vào năm 2021, lần đầu tiên ung thư vú trở thành loại ung thư phổ biến nhất thế giới, chiếm gần 12% số ca mới mỗi năm theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa. Ung thư vú thường gặp ở những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú; ngoài ra, còn liên quan đến đột biến gen ung thư vú di truyền. Có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn, uống rượu, hút thuốc cũng có thể là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Để sớm ngăn ngừa ung thư vú, phụ nữ nên tầm soát và khám sức khỏe định kỳ. "Do thời kỳ tiền lâm sàng của ung thư vú kéo dài khoảng 8-10 năm nên khám sàng lọc có giá trị cao trong phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả", bác sĩ Khiêm cho biết.
Ung thư dạ dày
Bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm, ung thư dạ dày tiến triển nặng, có thể gây tử vong. Các dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày trong giai đoạn sớm khá mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn do có biểu hiện giống với các bệnh lý dạ dày thường gặp như ợ hơi, chướng bụng, chán ăn... Căn bệnh này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, song phổ biến nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên, nam nhiều hơn nữ.
Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ngày càng tăng phần đông do lối sống như uống rượu bia, hút thuốc lá, nhiều thịt đỏ, dưa cải muối... Với sự phát triển của khoa học, ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư dạ dày, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng cá thể.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phát triển ác tính từ phần thấp của ống tiêu hóa là đại tràng và trực tràng. Do đó, hai loại này có bản chất khá giống nhau. Số ca mắc mới của ung thư trực tràng và đại tràng theo thống kê của Globocan năm 2020 tại Việt Nam hơn 15.000 ca, chiếm 8,6%. Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba ở nữ và thứ tư ở nam.
Ngoài yếu tố di truyền, tuổi tác, nhóm yếu tố do lối sống như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối... cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là một căn bệnh ác tính của tủy xương khiến cơ thể sản xuất ra một số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường, không có chức năng. Bệnh bạch cầu có nhiều loại, một số phổ biến hơn ở trẻ em, một số chỉ xuất hiện ở người lớn. Bệnh bạch cầu không hình thành các khối u như nhiều bệnh ung thư khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, loại ung thư này khó phát hiện sớm, giai đoạn muộn thường tiến triển nhanh, khó chữa khỏi, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: tiếp xúc với chất phóng xạ; làm việc trong môi trường ô nhiễm có quá nhiều hóa chất (formaldehyde, benzene...) làm thay đổi cấu trúc gen. Để điều trị căn bệnh ác tính này, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp như hóa trị, điều trị sinh học, xạ trị, thay tủy...
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt rất thường gặp ở nam giới, đặc biệt ở độ tuổi trên 50. Sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào tuyến tiền liệt sẽ hình thành tế bào ác tính, dẫn đến khối u. Bệnh thường phát triển chậm, có thể khoảng 5-10 năm và không có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hiện nay, ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên thể trạng và tình trạng của bệnh nhân cũng như giai đoạn của khối u.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là loại bệnh lý ác tính thường gặp của vùng đầu cổ. Phần lớn các trường hợp ung thư vòm họng đều bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân: hút thuốc lá, nghiện rượu và nhiễm virus HPV.
Giai đoạn đầu không có triệu chứng đặc hiệu. Muộn hơn, người bệnh thường xuất hiện một hay một vài các triệu chứng như đau hoặc ù tai, đau họng, nuốt khó, khàn giọng, ho kéo dài... Tiên lượng của bệnh phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc phát sinh khối u và thời gian được chẩn đoán. Ung thư vòm họng ở giai đoạn di căn thì khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao.
Ung thư tuyến giáp
Tại Việt Nam năm 2020 có 5.471 ca ung thư tuyến giáp mới mắc. Đến nay, nguyên nhân của căn bệnh này còn chưa rõ ràng. Phần lớn các quan điểm cho rằng sự kết hợp giữa các yếu tố tiền sử, dịch tễ và di truyền là nguyên nhân phổ biến. Bệnh có thể không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở, khó hoặc đau khi nuốt, giọng khàn, giảm cân, mệt mỏi...
Bệnh thường gặp ở nữ giới từ 25-65 tuổi nhưng nguy cơ ác tính ở nam giới lại cao hơn. Ung thư tuyến giáp thường tiến triển chậm. So với các loại ung thư khác, đây là một trong những căn bệnh có tiên lượng khá tốt, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh rất cao. Tuy nhiên, bác sĩ Khiêm khuyến cáo mọi người nên thăm khám sức khỏe, siêu âm tuyến giáp định kỳ và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết nếu có nghi ngờ để chẩn đoán xác định bệnh.
Anh Chi