Mỗi người cần bổ sung vitamin C hàng ngày thông qua khẩu phần ăn vì cơ thể không thể tự tổng hợp loại vitamin này. Hàm lượng khuyến nghị bổ sung vitamin C hàng ngày cho nam và nữ giới trưởng thành là khoảng 100 mg một ngày.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, bổ sung vitamin C ít hơn nhu cầu khuyến nghị sẽ khiến cơ thể có các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, không phải tất cả triệu chứng đều dễ nhận biết.
Chân tay đau nhức: Cấu tạo của các khớp tay chân chứa nhiều mô liên kết giàu collagen. Trong khi đó, thiếu hụt vitamin C lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành collagen trong các khớp, từ đó khiến chân tay dễ bị đau nhức.
Da dẻ sần sùi: Vitamin C đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra collagen, một loại protein cấu thành nên các mô liên kết trong da. Vì thế, thiếu hụt vitamin C dễ khiến da mất đi độ đàn hồi vốn có, trở nên lão hóa, chảy xệ và sần sùi.
Vết thương lâu lành: Thiếu vitamin C khiến cho quá trình sản sinh collagen trong da chậm lại, làm cho các vết thương lâu lành. Không những thế, ở những trường hợp thiếu vitamin C nghiêm trọng, một vết thương cũ đã lành cũng có thể bị trầy xước trở lại và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Xuất huyết dưới móng: Thiếu vitamin C còn làm xuất hiện những đốm đỏ hoặc đường sọc bất thường trên nền móng tay, móng chân do các mạch máu suy yếu bị vỡ. Hiện tượng này được gọi là xuất huyết dưới móng.
Xuất huyết nang lông: Các nang lông trên bề mặt da chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cung cấp máu và chất dinh dưỡng cần thiết nuôi lông phát triển. Khi cơ thể thiếu vitamin C, sức bền thành mạch của những mạch máu này bị suy giảm, khiến chúng dễ vỡ, hình thành nên các đốm xuất huyết đỏ ngay dưới nang lông.
Da dễ bầm tím: Sự co giãn của các mạch máu bị suy giảm nghiêm trọng khi cơ thể thiếu hụt vitamin C. Do đó, dù chỉ cần một va chạm nhẹ, hệ thống mao mạch dưới da cũng dễ dàng xuất huyết và tạo nên vết bầm tím.
Dễ bị cảm sốt: Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch bằng cách kích thích sự di chuyển của bạch cầu trung tính đến vị trí nhiễm trùng và tạo ra chất oxy hóa để tiêu diệt vi khuẩn. Vì thế, bổ sung vitamin C không phù hợp làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như cảm cúm, sốt, viêm tai - mũi - họng...
Dễ thừa cân: Với cùng một bài tập thể lực, người tiêu thụ đầy đủ vitamin C có thể dễ dàng đốt cháy chất béo nhiều hơn 30% so với những người ít tiêu thụ loại vitamin này. Do đó, thiếu hụt vitamin C khiến bạn dễ tích tụ mỡ thừa, tăng cân nhanh hơn người bình thường.
Dễ mệt mỏi: Vitamin C giúp cơ thể tổng hợp nên norepinephrine - một chất dẫn truyền thần kinh hỗ trợ làm tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời. Vì thế, thiếu vitamin C khiến cho nhịp tim và huyết áp hạ thấp; từ đó, kích hoạt hàng loạt cảm giác chán nản, bồn chồn và lo âu vô cớ trong não bộ.
Chảy máu chân răng: Thiếu hụt vitamin C làm suy yếu các sợi collagen liên kết trong dây chằng nha chu, khiến mô nướu yếu đi, dễ hình thành nên các ổ viêm nhiễm (viêm nha chu) và gây xuất huyết chân răng.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết thêm, không phải tất cả trường hợp thiếu vitamin C đều có triệu chứng giống nhau. Để biết chính xác cơ thể có thiếu vitamin C, bạn cần thực hiện xét nghiệm vi chất. Hiện nay, hệ thống máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC được áp dụng để đo hàm lượng các vi chất trong cơ thể ở mức thấp nhất (nanogram/ml máu). Từ đó, bác sĩ tư vấn xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh.
Hiệp Huỳnh