Bàng quang là một cơ quan trong khung chậu giúp lưu trữ nước tiểu trước khi thải ra ngoài cơ thể. Ung thư bàng quang là tình trạng khối u ác tính phát triển trong bàng quang. Một số yếu tố rủi ro có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang bao gồm:
Hút thuốc
Nghiên cứu cho thấy, ở những người có thói quen hút thuốc ít nhất 3 lần/ngày có nguy cơ mắc ung thư bàng quang hơn người không hút. Hút thuốc được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh ung thư này.
Khi sử dụng thuốc lá, các hóa chất có hại có thể tích tụ trong nước tiểu và làm hỏng lớp niêm mạc của bàng quang, điều này dễ dẫn đến ung thư. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, xì gà và tẩu thuốc có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Uống nước có chứa asen
Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc tiêu thụ một lượng lớn asen (thạch tín) trong nước uống làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể lý giải tại sao cơ thể hấp thụ chất này có liên quan đến ung thư. Tuy nhiên, việc hạn chế hấp thu thạch tín vào cơ thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Môi trường làm việc có hóa chất
Những ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như họa sĩ, thợ cắt tóc, thợ máy... có liên quan đến khả năng phát triển ung thư bàng quang cao hơn. Các chất được sử dụng trong sản xuất cao su, thuốc nhuộm và sơn... có chứa benzidine và beta-naphthylamine được cho là có ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh. Nghiên cứu ước tính có tới 18% các ca bệnh ung thư bàng quang do nguyên nhân này gây ra. Khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất gây hại, thận sẽ phải lọc chúng ra khỏi máu, lâu dần tích tụ trong bàng quang và tiến triển thành ung thư.
Thuốc
Một số loại thuốc trong điều trị ung thư có liên quan đến ung thư bàng quang như thuốc hóa trị cyclophosphamide hoặc xạ trị.... Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ lo ngại nào về các loại thuốc đang sử dụng.
Mất nước
Không nạp đủ nước có thể là một yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những người uống nhiều nước hàng ngày sẽ giúp bàng quang thải hết nước tiểu thường xuyên hơn, điều này làm giảm nguy cơ tích tụ các hóa chất độc hại. Do đó, mỗi người nên uống khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Yếu tố di truyền
Những người có người thân trong gia đình từng bị ung thư bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số gen đột biến như RB1 và PTEN cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này do khó có khả năng phân hủy độc tố trong cơ thể.
Gặp vấn đề về bàng quang, đường tiết niệu
Các bệnh về bàng quang có thể tiến triển thành ung thư bao gồm: nhiễm trùng tiết niệu mạn tính, sỏi thận, sỏi bàng quang... Bệnh sán máng, một bệnh nhiễm trùng do một loại giun ký sinh gây ra cũng làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư này.
Ngoài ra, những người bị ung thư ở bất kỳ bộ phận nào thuộc đường tiết niệu cũng có nguy cơ phát triển ung thư bàng quang cao hơn. Dị tật bẩm sinh ở bàng quang dễ bị ung thư hơn nhưng yếu tố này rất hiếm.
Yếu tố tuổi tác, giới tính
Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn. Khoảng 9 trên 10 người bị ung thư bàng quang là trên 55 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của bệnh là 73. Nam giới mắc ung thư bàng quang nhiều hơn phụ nữ 3-4 lần.
Ung thư bàng quang có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi một số hành vi lối sống. Ngừng hút thuốc, cố gắng tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và thuốc nhuộm, uống nhiều nước... là những cách dễ dàng thực hiện để phòng tránh loại ung thư này. Mọi người cũng nên duy trì khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo phát hiện sớm nếu không may bị ung thư bàng quang.
Bảo Bảo (Theo Healthline)