Hiện nay, ở các thành phố lớn, có một thực trạng, đó là các doanh nghiệp đa phần đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng, còn lương thực tế của nhân viên cao hơn. Vì thế việc tăng lương cơ bản hầu như chẳng giúp cuộc sống của người lao động tốt hơn vì tổng lương thực nhận vẫn không đổi. Doanh nghiệp đóng BHXH cho nhân viên nhiều hơn thì sẽ khấu trừ lại trong lương thực nhận của họ chứ chẳng mất gì.
Các doanh nghiệp hiện nay, một là tìm cách trốn không đóng BHXH cho nhân viên, hai là toàn đóng với mức lương tối thiểu, phần lương còn lại đưa vào dạng các chi phí khác như hỗ trợ ăn ở, xăng xe, điện thoại... nên về luật sẽ không thể bắt bẻ được các doanh nghiệp. Họ khiến cho người lao động cảm thấy mức lương công ty trả cho họ cao hơn mặt bằng chung, trong khi thực tế họ đang phải "tiêu xài" trước lương hưu của mình. Số lượng công ty như thế lại rất nhiều nên người lao động cũng đành phải chấp nhận tình trạng chung.
Thực tế đáng buồn này rất đáng báo động. Hiện nay, lương tối thiểu vùng ở Sài Gòn chỉ tầm bốn triệu đồng, doanh nghiệp đóng BHXH cho nhân viên ở mức đó tới già thì cho dù lương tối thiểu vùng tăng dần đi nữa, nhân viên vẫn sẽ chỉ được nhận lương hưu từ 50-75% số tiền lương trung bình, tức 2-3 triệu đồng một tháng. Thử hỏi làm sao có thể sống với số tiền đó khi vật giá leo thang chóng mặt, thậm chí lương 10 triệu đồng mà còn chẳng có dư.
>> 'Lương hưu không đủ sống vì đóng BHXH mức tối thiểu'
Trong khi đó, tất cả các mặt hàng khác luôn vì lương tăng nên giá tăng lên theo, Thế nên, cách tốt nhất là tìm cách kìm hãm đà tăng giá tiêu dùng, nhất là đà tăng ảo của giá đất, vì thuê hoặc mua đất luôn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong chi phí cố định của doanh nghiệp. Chi phí cố định giảm mạnh thì một là lương nhân viên sẽ tăng hoặc giá tiêu dùng sẽ giảm do giá hàng hóa giảm. Điều này cũng sẽ dẫn đến lợi ích to lớn cho người dân.
Theo tôi, BHXH nên tính bình quân số tiền những năm cuối đóng thì mới có thể bảo đảm được phần nào mức sống cho người lao động sau khi về hưu. Ngoài ra, Nhà nước nên có quy định bắt buộc doanh nghiệp đóng BHXH theo mức lương thực nhận của nhân viên, chứ không nên để doanh nghiệp "lách luật" như hiện nay. Ngoài ra, việc để cho nhân viên nhận mức lương tạm đủ sống (đóng BHXH mức tối thiểu) khiến họ không tìm cách kiếm thêm thu nhập, về già khó đảm bảo mức thu nhập từ lương hưu bằng chuẩn nghèo (vì đóng quá thấp).
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.