Theo Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thế Trường, Phó trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, tinh dịch có lẫn máu làm cho nam giới hoang mang, nhưng may mắn là hầu hết các trường hợp đều là lành tính.
Xuất tinh ra máu tương đối phổ biến. Tình trạng này xuất hiện sau khi nam giới dậy thì và phổ biến ở nhóm tuổi từ 30-40. Các kết quả thống kê cho thấy, 9/10 nam giới phát hiện có máu trong tinh dịch dù trước đó không có bất thường. Với khoảng 15% trường hợp không có nguyên nhân cụ thể, tình trạng này sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Sự xuất hiện của máu có thể khiến cho tinh dịch có màu đỏ tươi, hồng nhạt hoặc nâu đỏ. Đôi khi cũng có thể là các khối máu đông nhỏ. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, nam giới xuất tinh ra máu còn có thể kèm với các biểu hiện khác như tiểu nhiều lần, tiểu gắt, đau khi đi tiểu...
Nguyên nhân xuất tinh ra máu rất đa dạng, điển hình là do viêm nhiễm. Khi bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống sản xuất và vận chuyển tinh dịch như tuyến tiền liệt, niệu đạo, ống dẫn tinh, túi tinh... bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng đều có thể tiết máu vào tinh dịch. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, chlamydia... cũng là nguyên nhân gây ra 4/10 trường hợp xuất tinh ra máu. Máu trong tinh dịch cũng thường xuất hiện do chấn thương như gãy xương chậu, tổn thương tinh hoàn, thủ dâm quá mức... hoặc sau khi thực hiện thủ thuật như thắt ống dẫn tinh, tiêm thuốc điều trị bệnh trĩ, sinh thiết tuyến tiền liệt, xạ trị... Tình trạng xuất tinh ra máu sau thủ thuật sẽ biến mất sau khoảng vài tuần và không cần can thiệp gì thêm.
Các trường hợp khác là do nguyên nhân tắc nghẽn làm vỡ mạch máu và giải phóng một lượng nhỏ vào tinh dịch, polyp ở cơ quan sinh sản, cao huyết áp, bệnh về gan, bệnh bạch cầu, Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV)...
Nghiêm trọng hơn, xuất tinh ra máu có thể liên quan đến các bệnh lý phức tạp như ung thư tinh hoàn, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt..., nhưng trường hợp này chiếm tỉ lệ không đáng kể. Vì thế, tiến sĩ Thế Trường khuyến cáo nam giới từ 40 tuổi có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư, lối sống không lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia... khi bị xuất tinh ra máu, kèm theo các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu nên đến khám tại các cơ quan y tế chuyên khoa để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây xuất tinh ra máu, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi các triệu chứng có liên quan như tiểu máu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu không sạch, đau bàng quang, đau khi xuất tinh, dương vật tiết dịch bất thường, sốt, mạch đập nhanh, tăng huyết áp... Người bệnh cũng cần cung cấp thông tin về thời điểm, tần suất quan hệ tình dục.
Bác sĩ có thể cần phải đánh giá tổng quát sức khỏe nam giới, bao gồm kiểm tra bộ phận sinh dục để tìm các khối u hay biểu hiện viêm nhiễm; khám trực tràng bằng ngón tay đánh giá kích thước tuyến tiền liệt. Bác sĩ còn yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như: tổng phân tích nước tiểu, nuôi cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) loại trừ nguy cơ ung thư, soi bàng quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính CT... Một số trường hợp, bác sĩ kiểm tra tinh dịch nam giới ngay tại phòng khám để đánh giá chính xác có máu trong tinh dịch hay do chu kỳ kinh nguyệt của bạn tình.
Hầu hết trường hợp xuất tinh ra máu không có nguyên nhân và không cần phải điều trị. Nếu nguyên nhân gây bệnh được tìm thấy, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp. Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay mắc các bệnh lây qua đường tình dục có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Trong trường hợp nghi ngờ nam giới xuất tinh ra máu do ung thư tuyến tiền liệt hoặc một dạng ung thư khác, bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết để đánh giá mô ung thư và có phác đồ điều trị cụ thể.
Hân Thái