Trả lời:
Sẹo lồi không có hại, thường không phải điều trị. Tuy nhiên, nếu sẹo gây đau, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý thì bạn nên điều trị. Những trường hợp sẹo lồi thường được bác sĩ chỉ định laser gồm sẹo nông, sẹo mụn, sẹo do chấn thương, sẹo bỏng, sẹo phẫu thuật. Sẹo sâu, sẹo lâu năm và sẹo khiến người bệnh hạn chế cử động cần các biện pháp điều trị chuyên sâu hơn.
Tia laser giúp làm mềm sẹo, thu hẹp kích thước và độ dày của sẹo nhanh, ít đau, ít ngứa, giảm màu đỏ của sẹo, đưa da trở về màu sắc gần như bình thường nhưng không xóa sẹo hoàn toàn. Cụ thể, laser tác động vào lớp ngoài của da, loại bỏ lớp da cũ hoặc vùng da bị tổn thương. Về bản chất, phương pháp laser là bào (laser vi điểm fractional) các vết sẹo lồi, làm teo các mạch máu nuôi sẹo.
Các loại laser thường được sử dụng trong điều trị sẹo lồi gồm Fractional CO2, Fractional Erbium, ánh sáng xung cường độ cao, Laser Nd:YAG 1064-nm xung dài, PDL... Để đạt được hiệu quả tối ưu, trong một số trường hợp bác sĩ kết hợp các liệu pháp khác như tách đáy sẹo, tiêm corticoid hoặc botox...
Bạn có sẹo lồi dài 5 cm ở cánh tay có thể điều trị bằng laser. Bạn nên đến bệnh viện khám để bác sĩ đánh giá tình trạng và đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu điều trị bằng laser, bác sĩ sát trùng sẹo và vùng da xung quanh, thoa kem làm tê hoặc tiêm thuốc gây tê cục bộ. Trường hợp sẹo ở mặt, người bệnh cần đeo kính bảo vệ mắt. Bác sĩ đặt khăn ướt hoặc gạc xung quanh sẹo để hấp thụ tia laser, sau đó bắn laser vào vết sẹo.
Sau điều trị, người bệnh được bôi thuốc mỡ và băng sẹo lại để ngăn nhiễm trùng. Khu vực điều trị có thể ửng đỏ, sưng nhẹ, châm chích, cảm giác như cháy nắng trong vài giờ sau thủ thuật. Bạn nên thoa kem dưỡng ẩm ít nhất hai lần mỗi ngày và hạn chế trang điểm (nếu sẹo ở mặt) cho đến khi da hết đỏ.
Một số trường hợp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị sẹo lồi bằng laser gồm phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có tiền sử dị ứng với ánh sáng, đang sử dụng thuốc có nguy cơ làm da nhạy cảm ánh sáng. Người mắc bệnh da liễu, có vết thương hở ở vùng da cần điều trị sẹo, người bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường, cơ địa nhạy cảm cũng cần bác sĩ tư vấn. Tùy trường hợp, vị trí sẹo lồi, bác sĩ quyết định có thể dùng laser hay không.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích
Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |